Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero cho Việt Nam thời gian tới. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon. Nhà nước thu được ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai.
Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Phát thải ròng bằng 0 hay “Net Zero” là cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Để giải quyết những thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra chiến lược, mục tiêu trong tương lai, trong đó có xây dựng khung chính sách phát triển thị trường carbon.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của biến đổi khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Thực trạng này thúc đẩy Việt Nam phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ để bảo vệ môi trường.
Tham gia thị trường carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tuân theo quy tắc “thuận mua – vừa bán”, Nhà nước thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon… Trong khi đó, bên bán carbon được hưởng lợi do những đơn vị thực hiện tốt giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”. Theo đó, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Tại Việt Nam, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường carbon; quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường carbon.
Ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt văn kiện dự án “Triển khai thực hiện thị trường carbon tại Việt Nam”. Cục Biến đổi khí hậu là chủ dự án. Dự án được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới với Tổng mức đầu tư: 5 triệu USD (đối ứng 71.851 USD do Bộ Tài nguyên và Môi trường bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm), thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2028. Dự án hướng đến mục tiêu hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường carbon, thiết kế và triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Tuấn Quang cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Theo đó, có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất thải phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 – 2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Hiện cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục các cơ sở phải báo cáo kiểm kê được cập nhật 2 năm/lần, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cập nhật để ban hành Danh mục mới vào năm 2024. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng các biện pháp giảm nhẹ ngay từ bây giờ để kịp đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2026, nếu không có thể sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường carbon và tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư.
Giải pháp tài chính xanh cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh các khu vực phát triển trên thế giới áp dụng hàng rào thuế carbon cho hàng hóa xuất nhập khẩu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế.
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức như: Các cơ sở phát thải cao hoạt động nội địa sẽ phải thực hiện kiểm kê và bắt buộc thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về hạn ngạch phát thải của Chính phủ trong tương lai. Các cơ sở phát thải cao có sản phẩm xuất khẩu như sắt, thép, xi măng, nhôm… phải thay đổi nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp cần xác định việc giảm phát thải là bắt buộc trong tương lai, phải thay đổi công nghệ, phương thức quản lý, cách tiếp cận… Việc giảm phát thải tạo ra cơ hội mới cho một số doanh nghiệp nếu thay đổi để tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế, doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, có nguồn thu mới từ tài chính carbon cùng các nguồn tài chính xanh.
Tiến sỹ Nguyễn Quang, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật như: Các chính sách về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh. Có thể kể đến Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 quy định về mức thuế suất đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao; “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư vào các dự án môi trường, khuôn khổ cho tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam…
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào phát triển xanh. Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp, như: Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu mục tiêu tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho một số lĩnh vực xanh như: ban hành chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ lãi suất, ưu đãi tài sản bảo đảm đối với khách hàng thực hiện các dự án nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; triển khai các chương trình cho vay trồng rừng sản xuất; triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng, chống biến đổi khí hậu, các chương trình giảm ô nhiễm môi trường…
Với việc thực hiện những chính sách ưu đãi trên, Việt Nam đã được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN); xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết.
Với những định hướng ưu tiên phát triển xanh của Chính phủ, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động, vận động, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để nắm bắt được cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xanh.