Ngày 12.7, với 336 phiếu thuận, 300 phiếu chống và 12 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự luật Phục hồi thiên nhiên (NRA) nhằm khôi phục đa dạng các hệ sinh thái đang bị xuống cấp bằng cách tăng các vùng trồng rừng, môi trường sống dưới nước và tăng sự kết nối giữa các dòng sông.
Theo kế hoạch, các nghị sỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thương lượng văn bản luật cuối cùng nhằm đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử EP vào năm 2024.
Dự luật Phục hồi Thiên nhiên là chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc giữa các nước EU và các nghị sỹ.
Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong EP, dẫn đầu một chiến dịch nhằm hủy bỏ dự luật này bất chấp việc Ủy ban châu Âu (EC), do bà Ursula von der Leyen (thành viên của EPP) làm chủ tịch, là cơ quan đưa ra đề xuất luật trên.
EPP nêu lý do là dự luật sẽ ảnh hưởng đến người nông dân và gây mất an ninh lương thực.
Tuy nhiên, các nghị sỹ khác đã ngăn chặn ý định này vì lo ngại nếu Dự luật Phục hồi thiên nhiên không được thông qua sẽ là một dấu hiệu cho thấy châu Âu đang thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu xanh của mình.
Dự luật Phục hồi thiên nhiên có mục đích phục hồi các hệ sinh thái đang bị xuống cấp bằng cách tăng các vùng trồng rừng, môi trường sống dưới nước và tăng sự kết nối giữa các dòng sông.
Đặc biệt dự luật này tìm cách tăng số lượng đàn ong, chim và bướm, nhất là trên đất trồng trọt, đồng thời khôi phục các vùng đầm lầy, bãi than bùn đã cạn khô.
Đây sẽ là một trong những phần lớn nhất trong mục tiêu của EU đưa ra các đạo luật xanh, đòi hỏi các nước thành viên áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi thiên nhiên trên 1/5 diện tích đất đai và biển của mình vào năm 2030.
Nhóm đảng Xanh tại EP đã hoan nghênh kết quả trên là “một chiến thắng” và sẽ trở thành một “tiêu chuẩn rõ ràng” để đánh giá các chính phủ trong EU đã cải thiện đa dạng sinh thái đến đâu.