Hồi sinh loài hươu cao cổ Angola sau một thời gian dài vắng bóng

Theo dự án hợp tác, 14 con hươu cao cổ đã trải qua hành trình dài, đi từ một trang trại thú săn tư nhân ở miền Trung Namibia trở về vùng đất tổ tiên của chúng ở Angola.

14 con hươu cao cổ đã trải qua hành trình dài. (Nguồn: Africa Parks)

Trong nỗ lực nhằm khôi phục sự đa dạng ở Công viên quốc gia Iona tại Angola, African Parks – Tổ chức Phi chính phủ về Bảo tồn Công viên châu Phi, Chính phủ Angola và Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ đã hợp tác để hồi sinh loài hươu cao cổ Angola sau một thời gian dài vắng bóng tại quốc gia miền Nam châu Phi này.

Theo dự án hợp tác, 14 con hươu cao cổ đã trải qua hành trình dài, đi từ một trang trại thú săn tư nhân ở miền Trung Namibia trở về vùng đất tổ tiên của chúng ở Angola. Việc vận chuyển những con hươu này được Quỹ Wyss và Quỹ Bảo tồn Hươu cao cổ tài trợ.

Bộ trưởng Môi trường Angola Abias Huongo nêu rõ: “Việc đưa hươu cao cổ trở lại Công viên quốc gia Iona là một cột mốc đáng chú ý trong hành trình bảo tồn của Angola. Nỗ lực quan trọng này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên của đất nước chúng tôi.”

Hươu cao cổ Angola là một phân loài của hươu cao cổ ở miền Nam châu Phi, có 2 xương nổi trên đầu. Được cho là có số lượng hơn 20.000 con, chúng chủ yếu được tìm thấy ở miền Bắc Namibia, cũng như Zambia và Botswana, một số sinh sống ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Phi.

Thông tin về những gì đã xảy ra với hươu cao cổ ở Angola còn hạn chế, tuy nhiên các nhà bảo tồn tin rằng hươu cao cổ ở Angola có thể đã biến mất khỏi Iona ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước mà không rõ nguyên nhân.

Số lượng hươu cao cổ trên khắp Angola giảm đáng kể vào những năm 70 và không còn con nào vào những năm 90 cho đến khi các chủ đất tư nhân bắt đầu đưa chúng trở lại trang trại và khu bảo tồn của họ.

Số liệu cho thấy cho đến thời điểm hiện tại, ở Angola không có con hươu cao cổ nào trong vườn quốc gia. 14 con hươu cao cổ từ Namibia là những con đầu tiên được chuyển đến Iona kể từ khi African Parks tiếp quản quyền quản lý hồi năm 2019.

Việc đưa hươu cao cổ Angola trở lại Công viên quốc gia Iona được cho là sẽ góp phần khôi phục các chức năng hệ sinh thái của vườn quốc gia cũng như thiết lập lại các quá trình sinh thái của khu vực. Hươu cao cổ hỗ trợ hình thành thảm thực vật thông qua việc tìm kiếm và phát tán hạt giống do thói quen kiếm ăn có chọn lọc.

Trở thành công viên quốc gia vào năm 1964, Iona trải dài trên một khu vực rộng lớn 15.150km2 và tạo thành mũi phía Bắc của tỉnh Namibe (Angola) được gọi là sa mạc Moçâmedes – sa mạc lâu đời nhất trên thế giới. Iona giáp với công viên quốc gia Skeleton Coast của Namibia và ở phía Bắc của Iona là khu bảo tồn một phần Namibe.

Các công viên quốc gia này cùng nhau tạo nên một trong những khu bảo tồn xuyên biên giới (TFCA) lớn nhất trên thế giới với diện tích gần 50.000 km2.

Sự trở lại của hươu cao cổ Angola chỉ là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm hồi sinh công viên, với những loài khác được dự đoán sẽ tái xuất hiện, trong đó có tê giác đen, sư tử và các loài săn mồi chính.