Sông Đakrông “đổi màu”, dân không biết lấy đâu ra nước sinh hoạt

Theo lãnh đạo xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), nước từ đầu nguồn đã cạn, trong khi nước sông Đakrông có màu bất thường, người dân phải sử dụng nước giếng khoan nhưng nguồn nước này cũng bị phèn nặng.

Xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có 9 thôn (với hơn 3800 hộ dân) thì có tới 8 thôn có người dân sinh sống dọc sông Đakrông. Trước năm 2019, khi chưa có hoạt động khai thác vàng ở xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân xã A Bung vẫn sử dụng nước sông Đakrông để sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân, từ năm 2019 đến nay, việc khai thác vàng xảy ra trên địa bàn xã Hồng Thủy khiến cho nguồn nước đục ở khe Li Leng đổ thẳng ra sông Đakrông khiến dòng nước “đổi màu” bất thường. Dù người dân nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm, chính quyền các tỉnh nhiều lần họp chỉ đạo nhưng đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm.

Thông tin này được lãnh đạo xã A Bung xác nhận. Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Hồ Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết, khai thác vàng sử dụng các hóa chất nên ảnh hưởng rất lớn đối với người dân khi sử dụng nước sông Đakrông. Mỗi lần đi tắm ở sông về bà con về phải đến trạm y tế để xin thuốc điều trị.

Nước sông Đakrông “chuyển màu”

“Hiện nay nước từ đầu nguồn đã bị khô hạn do thời tiết, trong khi nước sông Đakrông bị ô nhiễm, người dân phải sử dụng nước giếng khoan. Do nước giếng khoan cũng bị phèn nặng nên người dân không biết lấy nước ở đâu để ăn uống và sinh hoạt”, ông Hiền cho hay.

Theo ông Hiền, mỗi khi có đợt kiểm tra khai thác vàng, trong khoảng thời gian một tuần đến nửa tháng, nước sông Đakrông trở lại bình thường. Nhưng khoảng một tháng sau đó nước đục lại tiếp tục chảy về. Lãnh đạo xã A Bung thông tin: “Nước đục không chảy về trong cả ngày mà thường vào các buổi chiều, đặc biệt buổi tối. Riêng mùa mưa, từ khoảng 10h sáng nước đục đã chảy về…

Tuy nhiên, nguyên nhân nước sông Đakrông “đổi màu” có thực sự vì khai thác vàng hay vì nguyên nhân nào khác? Chúng tôi đã ghi nhận được thêm luồng quan điểm thứ hai, khác với ý kiến của người dân địa phương và lãnh đạo xã A Bung.

Theo đó, mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục kiểm tra, ngăn chặn dứt điểm nguồn thải từ việc khai thác vàng trái phép để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của người dân sống ven sông Đakrông.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực tế khu vực khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Hồng Thủy và Hồng Vân (huyện A Lưới).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan kiểm tra kiểm tra khu vực khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Hồng Thủy và Hồng Vân.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tại thời điểm đoàn công tác đến hiện trường, không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà chỉ còn những dấu vết khai thác đã cũ. Khu vực khai thác có một số hầm, hố đào lấy đất đá. Có mương dân dùng để khai thác bằng phương pháp bơm áp lực cao tạo thành từ khu vực khai thác về khe suối, có một ṣố máng gỗ bị hỏng và lán trại đã bị ̣phá hủy.

Khu vực khai thác có dấu hiệu sạt trượt đất, độ dốc lớn. Trước đó, các đoàn kiểm tra do địa phương thực hiện cũng đã tháo dỡ, phá hủy các lán trại, mương dẫn, một số hầm, hố phục vụ khai thác. Tuy nhiên, còn phát sinh một số hầm, hố mới chưa được lấp.

Sau khi kiểm tra thực địa khu vực từng xuất hiện tình trạng khai thác vàng trái phép trước đây, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, thời gian gần đây không có chuyện người dân khai thác vàng trái phép, những dấu vết khai thác quá cũ, thậm chí một số điểm cây cối đã mọc xanh tươi.

Dấu vết tại khu vực khai thác vàng trước đây.

Kiểm tra thực tế, liên quan đến việc nước từ khu vực khai thác vàng trái phép trước đây chảy vào khe A Pey B và khe Bung sau đó chảy vào khe Li Leng ra sông Đakrông về các xã A Ngo, A Bung, Tà Rụt thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị xuất hiện màu đỏ đục, ông Phan Quý Phương nhận định, nguyên nhân đục nguồn nước có thể do mưa lớn làm sạt lở đất, phá vỡ kết cấu đất đầu nguồn do quá trình làm đường khai thác rừng, kết hợp các khu vực khai thác vàng đất đã bị bóc thực bì nên không giữ đươc̣ đất, dẫn đến cuốn xuống các khe suối gây vẩn đục nguồn nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có văn bản cụ thể gửi tỉnh Quảng Trị nhằm làm rõ nguyên nhân nước sông Đakrông, thuộc xã A Bung xuất hiện đục.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đây, khu vực này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khoáng sản (vàng) cho một doanh nghiệp. Sau khi kết thúc thời hạn thăm dò (ngày 10/5/2017) công ty này đã di dời toàn bộ máy móc, thiết bị và đi khỏi địa phương. Do khu vực nằm ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong công tác quản lý nên một số người dân địa phương của xã Hồng Thủy và xã Hồng Vân, huyện A Lưới tiến hành khai thác khoáng sản vàng trái phép.
Nguồn: