Sáng kiến của CGIAR triển khai tại Lào Cai và Đồng Nai nhằm giảm thiểu và kiểm soát các nguy cơ lây truyền sang người tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã.
Khoảng 75% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Đại dịch Covid-19 được phỏng đoán nằm trong số này.
Nhằm giải quyết vấn đề một cách toàn diện, CGIAR đưa ra sáng kiến “Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe”. Trong đó, hợp phần về bệnh lây truyền từ động vật sang người được triển khai tại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, với trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã ở tỉnh Lào Cai và Đồng Nai.
Cách tiếp cận Một sức khỏe tập trung vào sự phối hợp đa ngành, giúp phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người.
Tại Việt Nam, hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã khá phổ biến tại các địa phương. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) cho biết mỗi năm hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam tạo ra doanh thu khoảng 66,5 triệu USD, cao gấp 12 lần so với tổng doanh thu từ hoạt động buôn bán hợp pháp, tương đương 5,2 triệu USD.
Việt Nam hiện có khoảng 14.000 trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã, với khoảng 70 loài như lợn rừng, dúi, cầy hương, nhím, rùa, vượn đuôi dài, khỉ và một số loại chim.
Lào Cai ở vị trí tiếp giáp Trung Quốc, có nhiều hoạt động buôn bán động vật hoang dã giữa hai nước diễn ra. Với hơn 12.000 cá thể đang được nuôi nhốt trên địa bàn, tỉnh được đánh giá là điểm nóng mới nổi về hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã ở khu vực phía Bắc.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi Thú y Lào Cai cho biết: “Hy vọng nghiên cứu này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về các bệnh lây truyền từ động vật sang người, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Trong khi đó, Đồng Nai với vị trí nằm ở khu vực Đông Nam bộ, hiện có khoảng 670 cơ sở nuôi nhốt và hơn 336.000 cá thể động vật hoang dã. Nơi đây có đặc thù là các hoạt động nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã tập trung gần các vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại hai tỉnh Lào Cai và Đồng Nai sẽ tập trung vào đánh giá sự lưu hành, xác định các nguy cơ và đường lây truyền của các tác nhân gây bệnh lây truyền từ động vật sang người trên các loài như dơi, dúi, lợn rừng và cầy hương.
Những thông tin này sẽ đóng vai trò nền tảng, giúp các nhà khoa học thiết kế các biện pháp can thiệp trong chuỗi giá trị động vật hoang dã và tăng cường khả năng kiểm soát bệnh truyền nhiễm mới nổi; đồng thời thiết kế các biện pháp an toàn sinh học phù hợp.
Bên cạnh việc xác định các điểm nóng về bệnh lây truyền từ động vật sang người, kết quả nghiên cứu còn là cơ sở dữ liệu để đưa ra các biện pháp can thiệp như tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức, thái độ và quy trình liên quan đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đó cũng là cách để tăng cường năng lực giám sát và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong các chuỗi giá trị này.
Hợp phần về bệnh lây truyền từ động vật sang người dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu tại Lào Cai và Đồng Nai từ cuối năm 2023. Nhóm nghiên cứu hiện đang họp tham vấn với các bên liên quan, mua các bộ kit xét nghiệm, chất xúc tác… và tập huấn cho cán bộ thu thập thông tin.
TS Bernard Bett, cán bộ điều phối hoạt động về Bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh truyền nhiễm từ động vật tại Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), kiêm điều phối hợp phần về bệnh lây truyền từ động vật sang người thuộc sáng kiến CGIAR Một sức khỏe chia sẻ: ‘Việc nâng cao hiểu biết về các nguy cơ bắt nguồn từ động vật hoang dã cùng các cơ chế truyền nhiễm bệnh từ động vật sang người sẽ giúp chính phủ các nước đưa ra được chiến lược quản lý dịch bệnh tốt hơn, đảm bảo sự phát triển của cả con người và đàn vật nuôi”.
TS Nguyễn Việt Hùng, điều phối sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR chung quan điểm: “Kết quả từ các chuyến công tác và khảo sát thực địa của nhóm nghiên cứu tại Lào Cai và Đồng Nai đầu năm 2023 cho thấy các biện pháp an toàn sinh học tại địa phương chưa đảm bảo. Kiến thức về bệnh lây truyền từ động vật sang người của người dân còn tương đối hạn chế”.
Một vấn đề nữa, theo ông Hùng, là nguồn lực địa phương để quản lý hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã và các nguy cơ lây bệnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là tại các trang trại và chợ buôn bán động vật hoang dã.
Trong quá trình triển khai, Việt Nam sẽ nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia quốc tế đến từ Thụy Điển, Kenya và Hoa Kỳ, nhằm đảm bảo một phương pháp tiếp cận đa chiều. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh tại Đại học Uppsala, Thụy Điển và ILRI Việt Nam cho biết thêm các nghiên cứu sẽ bao gồm cả định lượng và định tính, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và hiện trường, nghiên cứu trên con người và động vật.
Sáng kiến Một sức khỏe (2022 – 2024) là một trong 32 sáng kiến của CGIAR để tạo ra các hệ thống thực phẩm, đất đai và nước bền vững, có khả năng chống chịu. Tại Việt Nam, sáng kiến được đồng triển khai bởi ILRI, Viện Chính sách Lương thực Quốc tế, Viện Thú y, Trường đại học Y tế Công cộng, Đối tác Một sức khỏe Việt Nam về bệnh lây truyền từ động vật sang người (OHP) cùng các đối tác liên quan.
Ngày 6/7/1885, Louis Pasteur sử dụng thành công vacxin phòng bệnh dại trên người. Ngày 6/7 hàng năm được thế giới coi là ngày nâng cao nhận thức về bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người (World Zoonoses Day) nhằm giúp mọi người đề cao cảnh giác và hành động đúng để phòng tránh bệnh lây truyền. |