Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tính đến chiều tối 5/7, mưa lớn trong nhiều giờ khiến sạt lở làm hư hại ba ngôi nhà.
Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, rạng sáng 5/7, địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất khiến hai người tử vong và hai người bị thương.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào lúc rạng sáng 5/7, hai vợ chồng ông Lý Văn Thắng (sinh năm 1962) và bà Vàng Thị Thưởng (sinh năm 1966) ở thôn Ngàm Đăng Vài 1 thuộc xã Ngàm Đăng Vài (huyện Hoàng Su Phì) đang ngủ, bất ngờ xảy ra sạt lở, vùi lấp ngôi nhà. Ông Thắng và bà Thưởng tử vong. Hai cháu nội của gia đình bị thương và được cấp cứu, điều trị tại Trạm Y tế xã Ngàm Đăng Vài.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tính đến chiều tối 5/7, mưa lớn trong nhiều giờ khiến sạt lở làm hư hại ba ngôi nhà, trong đó có một ngôi nhà bị sập hoàn toàn ở huyện Hoàng Su Phì.
Nhiều tuyến đường tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên bị sạt lở với hàng trăm vị trí, hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống mặt đường.
Đặc biệt, tuyến tỉnh lộ 177 Bắc Quang – Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương gây ách tắc giao thông tại một số điểm. Cầu treo bắc qua sông Chảy đoạn qua địa phận xã Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì) bị hư hỏng nặng. Hàng chục ha hoa màu bị thiệt hại và hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết… Ước tính tổng thiệt hại hàng khoảng 4 tỷ đồng.
Ngay khi xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoàng Su Phì đã huy động cán bộ, chiến sỹ có mặt phối hợp cùng khắc phục hậu quả, động viên nhân dân.
Lực lượng chức năng chốt giữ tại các vị trí xung yếu, tuyên truyền cho nhân dân không đi vào khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, vận động, giúp đỡ bà con trong vùng nguy hiểm di dời đến nơi an toàn.
Dự báo, trong những ngày tới, mưa lớn vẫn kéo dài và diễn biến phức tạp. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đề nghị các địa phương cần tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương duy trì công tác trực lụt bão 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, diễn biến của thời tiết, đồng thời xử lý và cung cấp thông tin kịp thời, chủ động tốt phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra.