Theo trang Economic Times, du lịch xanh không chỉ là một khái niệm phổ biến để đảm bảo lợi ích về doanh thu du lịch mà còn đáp ứng các mục tiêu theo cam kết của COP26.
Khi du khách ngày càng quan tâm đến lượng khí thải carbon thì sự chú ý đến du lịch xanh sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm cho người dân, đồng thời hạn chế tác động môi trường trong thế giới hậu đại dịch Covid-19.
Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu quảng bá đất nước là điểm đến du lịch hấp dẫn thông qua các sự kiện lớn. Vì vậy, xu hướng tập trung sang du lịch xanh đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Đây là lĩnh vực ưu tiên của Ấn Độ để phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Để Ấn Độ trở nên nổi bật trên bản đồ du lịch xanh thì cần có sự hợp tác chủ động giữa các bên liên quan trong khuôn khổ chính sách.
Phát triển điểm đến xanh
Ở cấp cơ sở, một số điểm đến có thể được chọn để phát triển du lịch xanh bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho du khách, hỗ trợ nền kinh tế địa phương và bảo tồn môi trường tự nhiên. Những điểm đến như vậy có thể bị hạn chế về các phương tiện giao thông để giảm lượng khí thải carbon, vì vậy sẽ phải tạo ra các hướng dẫn cụ thể theo từng vùng để đánh giá tác động tích cực đến kinh tế và môi trường địa phương.
Một số quốc gia đã lấn sân sang lĩnh vực du lịch xanh và họ có thể là mô hình kinh nghiệm phát triển du lịch. Chẳng hạn như Thụy Điển đã nâng cao trải nghiệm du lịch bằng cách thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn. Thụy Điển cũng cung cấp các hình thức du lịch thay thế giảm khí thải carbon và các cơ sở lưu trú bền vững kiểu Bắc Âu từng đạt nhiều giải thưởng. Với các số liệu phù hợp, các nhà cung cấp dịch vụ địa phương được khuyến khích xây dựng các điểm đến bền vững.
Với sự đa dạng sinh học của Ấn Độ và chuỗi giá trị rộng lớn của ngành du lịch liên quan đến nhiều điểm đến, điều cần thiết là phải đưa chiến lược này vào hành động ở cấp cơ sở. Không thể áp dụng cách tiếp cận chung để phù hợp với tất cả và do đó, sự hợp tác với các cơ quan cấp tiểu bang và địa phương là điều bắt buộc. Điều quan trọng là phải xác định những điều nên làm và không nên làm cũng như các nguyên tắc hoạt động chính mà các cơ quan hành chính địa phương cũng như các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ.
Ngoài ra, các công ty Ấn Độ có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách tích cực đóng góp vào chương trình phát triển bền vững. Chẳng hạn như khi khu vực du lịch tư nhân thực hiện các sáng kiến để giảm lượng khí thải carbon thì cần có các biện pháp can thiệp tích cực để giảm thiểu lượng nước tiêu thụ, chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Bộ Du lịch Ấn Độ cũng đưa tính bền vững vào chương trình nghị sự phát triển du lịch và đang thực hiện nhiều bước đi để nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan trong ngành, tiểu bang và các cơ quan địa phương cần phải cùng nhau đóng góp cho chương trình nghị sự này.
Thay đổi tư duy
Trong khi mọi người đang ngày càng có ý thức hơn về bảo vệ môi trường thì việc áp dụng kỹ thuật để tuyên truyền du lịch xanh cũng cần phải được cải thiện. Việc thực hiện những thay đổi này rất tốn kém vì liên quan đến sự thay đổi mô hình trong cách thức hoạt động của ngành du lịch. Điều quan trọng là ngành du lịch – hiện bao gồm các công ty vừa và nhỏ – phải tích cực tham gia vào việc áp dụng các biện pháp hướng tới sự bền vững. Ngoài ra, cần xác định lộ trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững và cần thay đổi tư duy giữa các nhà cung cấp dịch vụ cũng như khách du lịch.
Bên cạnh đó, sự thành công của du lịch xanh cũng phụ thuộc vào các doanh nghiệp và nhân viên làm du lịch tuyến đầu. Do đó, lực lượng lao động này bắt buộc phải được đào tạo và hiểu rõ các sắc thái của du lịch xanh để có thể tránh xa các cách làm thông thường nhằm thay đổi hiệu quả cảnh quan du lịch.
Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu Ấn Độ đã khởi động Chương trình Phát triển Kỹ năng Xanh theo Đề án Hệ thống Thông tin Môi trường nhằm nâng cao kỹ năng cho thanh niên trong các lĩnh vực môi trường, rừng và động vật hoang dã. Cần có nhiều chương trình kỹ năng hơn để mở rộng mặt bằng phát triển ngành du lịch.
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra các ưu đãi tài chính như giảm thuế hoặc lợi ích để thúc đẩy tài chính cho du lịch xanh vì đòi hỏi đầu tư và thiết lập cơ sở hạ tầng bền vững. Sự thay đổi mô hình trong ngành du lịch là cần thiết và các chính phủ trên toàn cầu phải đưa ra quyết định sáng suốt trong việc xem du lịch bền vững và có trách nhiệm là nhiệm vụ của ngành sau đại dịch Covid-19. Ấn Độ cũng đang tiến lên từng bước để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm và đưa đất nước lên bản đồ du lịch xanh của thế giới.