Hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khoảng 30 năm tuổi, với chức năng phòng hộ và điều hòa không khí đã bị đốn hạ để mở đường lên núi và trồng cây ăn quả. Người dân địa phương hết sức bất bình.
Hạ rừng mở đường
Phản ánh của người dân xã Hoằng Trường, từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường bị một số hộ dân đốn hạ để mở một con đường lên núi và trồng các loại cây ăn quả. Điều này đang khiến người dân không khỏi lo lắng, bất bình.
Cả khu rừng thông xanh tốt, cao lớn trước kia đã bị chặt hạ, đào bới nham nhở, để lộ ra một con đường chạy ngoằn ngoèo từ chân núi lên đến đỉnh. Trên triền núi, đường mở tới đâu, thông bị chặt hạ, đánh bật gốc tới đó. Những gốc thông có đường kính 10 – 35cm, thậm chí có những gốc trên 40cm đã bị đào lên, chất đống chết khô ven những con đường mới mở. Hầu hết số gỗ thông đã được di chuyển xuống tập kết tại con đường dẫn vào núi. Tại hiện trường chỉ còn trơ lại gốc và số ít những thân cây được cắt từng khúc nằm chơ vơ bên vệ đường đất vàng xám. Phía trên đỉnh núi, một chiếc máy múc công suất lớn vẫn đang miệt mài san gạt mở đường. Ngoài khu vực lòng đường mới mở, tại các diện tích thông đã bị triệt hạ, nhiều loại cây ăn quả lưu niên như dổi, bưởi, dừa, dứa… đã mọc lên.
Được biết, toàn bộ rừng thông trên núi Linh Trường (thuộc 2 xã Hoằng Yến và Hoằng Trường) có diện tích khoảng 400 ha, trước đây là rừng phòng hộ được trồng từ những năm 1989-1990, theo dự án 661 và 327. Tuy nhiên, từ năm 2016, không hiểu sao toàn bộ diện tích rừng phòng hộ này lại được chuyển sang rừng sản xuất. Kể từ đó, rừng thông trên núi Linh Trường bắt đầu bị khai thác gỗ, chuyển đổi mục đích khiến diện tích ngày một giảm đi.
Rất bức xúc, anh Lê Văn T. (trú tại xã Hoằng Trường) cho biết: Năm 2017, rừng thông bắt đầu được một cá nhân đến tổ chức khai thác, thu mua mủ. Sau đó, người này đã mua lại diện tích rừng của nhiều hộ dân rồi mở đường lên núi, chặt hạ thông để trồng cây ăn quả. “Với chúng tôi, rừng thông Linh Trường không chỉ là tấm lá chắn mưa bão mà còn là “lá phổi xanh” có vai trò giữ nguồn nước ngầm và điều hòa không khí ven biển. Vì thế, việc rừng thông hàng chục năm tuổi bị chặt hạ khiến người dân địa phương không khỏi lo lắng, bởi khi mưa bão xảy ra, rừng không còn, nguy cơ sạt lở đất đá từ trên núi xuống rất lớn, trong khi xã Hoằng Trường có hàng nghìn hộ dân sống bao quanh chân núi. Để có được cánh rừng tốt như thế, phải mất hàng chục năm trồng, bảo vệ. Có thời điểm chính quyền xã huy động cả học sinh lên núi để trồng rừng” – anh T. nói.
Từ trên cao nhìn xuống, một diện tích đất rừng rộng lớn trên núi Linh Trường hiện ra trắng xóa, xen lẫn những khoảng trắng là một số ít cây thông còn sót lại. Quanh khu vực này, những vạt rừng nào chưa bị khai thác thì hiện lên một màu xanh ngắt.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phạm Thảo – Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường đã xác nhận: Việc chặt hạ rừng thông hàng chục năm tuổi trên núi Linh Trường là đúng thực tế. Tuy nhiên, đây là diện tích rừng sản xuất và những hộ khai thác đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Thanh Hóa cho phép. “Khu vực rừng thông đã bị đốn hạ thuộc đất Nhà nước giao khoán trồng rừng theo dự án 327 và 661 từ những năm 1989. Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ của xã trên núi hiện đã chuyển thành rừng sản xuất. Năm 2022, có 4 hộ dân được Sở NNPTNT cho phép chặt hạ thông để trồng cây ăn quả (cây dổi lấy hạt) với tổng diện tích 68,4 ha” – ông Thảo cho biết thêm.
Được phép khai thác?
Theo ông Lê Bá Duy – Chuyên viên Phòng NNPTNT (UBND huyện Hoằng Hóa), hiện xã Hoằng Trường có tổng diện tích rừng là 110,1ha, chủ yếu là rừng thông được trồng từ năm 1993-1996 từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước (Dự án 661). Theo Quyết định số 3230/QĐ-UBND,ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh Thanh Hoá về phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025, thì toàn bộ diện tích rừng của xã Hoằng Trường được quy hoạch là rừng sản xuất.
“Vừa qua, các chủ hộ được giao rừng ở đây đã làm đơn gửi Sở NNPTNT để xin khai thác rừng trồng (kèm theo phương án xin khai thác và trồng lại rừng) của các hộ dân xã Hoằng Trường. Sở NNPTNT đã chấp thuận theo phương án xin khai thác và trồng lại rừng cho các hộ gia đình gồm: Hộ ông Lê Xuân Hải, Lê Văn Thành, Lê Văn Dậu và hộ ông Phạm Văn Chiều. 4 hộ nêu trên đều khai thác theo băng chừa, băng chặt (chiều rộng băng chặt, băng chừa 20 m và làm theo đường đồng mức, đảm bảo mật độ còn lại ít nhất 600 cây/ha). Đến nay, có 2 hộ của ông Lê Văn Thành và ông Lê Văn Dậu đã khai thác và trồng bổ sung xong đối với diện tích đã khai thác. Đối với 2 hộ còn lại là ông Lê Văn Hải và Phạm Văn Chiêu đã khai thác xong và đã trồng lại rừng được khoảng từ 50% – 80% diện tích” – ông Duy thông tin.
Ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Về nguồn gốc đất rừng tại núi Linh Trường, phải khẳng định đây là đất rừng sản xuất và được giao khoán cho các hộ trồng và chăm sóc từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2007, sau khi Luật Lâm nghiệp ra đời thì vô tình số diện tích đã giao cho người dân lại bị đưa vào diện rừng phòng hộ. Tuy nhiên, đến năm 2017, sau khi tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025 thì toàn bộ điện tích rừng của Hoằng Trường đã được quy hoạch lại là rừng sản xuất.
Theo ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa: Vì là rừng sản xuất đã được quy hoạch và giao khoán nên các hộ là chủ rừng được phép khai thác theo quy định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu các hộ phải trồng lại rừng ngay sau khi khai thác để đảm bảo phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đồng thời, giao địa phương giám sát chặt chẽ quá trình mở đường lâm nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng việc khai thác rừng để phục vụ cho các mục đích khác khi chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. |