Phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn theo đuổi hay không, đó là con đường doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển.
Tháng 5/2023, Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ Việt Nam thông qua sau năm dài chờ đợi. Chính thức loại bỏ 13.220 MW điện than, giảm tỉ trọng từ 19% tổng công suất trong năm 2030 xuống còn 4% năm 2050, Quy hoạch điện VIII đánh dấu hồi kết cho nguồn điện gây ra phần lớn phát thải của nền kinh tế.
Các bên liên quan trong và ngoài nước thở phào nhẹ nhõm khi thấy Việt Nam bước đầu thực hiện cam kết đã tuyên bố tại COP26 và từ khóa “net zero” lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Với doanh nghiệp, net zero có ý nghĩa như thế nào? Đây là nội dung nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh “Zero Carbon – Hero ESG” do Tạp chí NCĐT tổ chức vào ngày 29/6 trong sự kiện Bình chọn Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững (CSA 2023).
Net Zero trỗi dậy
Cùng với quy định kiểm kê khí nhà kính bắt buộc với các doanh nghiệp lớn, Quy hoạch điện VIII bước đầu hiện thực hóa lời cam kết trung hòa carbon của Chính phủ tại COP26 cách đây 2 năm. Trước đó, nhiều doanh nghiệp, bao gồm các công ty đa quốc gia, tổ chức tài chính… tỏ ra sốt ruột khi đồng hồ vẫn không dừng điểm mỗi ngày nhưng lộ trình để đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050 của Việt Nam vẫn chưa được công bố.
Với gánh nặng là những nhà máy điện than công suất lớn, điện chiếm gần 3/4 lượng phát thải CO2 và các doanh nghiệp sử dụng điện trong bất cứ công đoạn nào hay bất cứ văn phòng nào đều phải tính lượng phát thải này. Vì vậy, trước mắt, cách nhanh nhất để giảm lượng phát thải trong doanh nghiệp là xanh hóa nguồn điện. Một số doanh nghiệp nhanh chân lắp đặt những hệ thống điện mặt trời mái nhà để kịp tiến độ mà tập đoàn đặt ra cho các chi nhánh trên toàn thế giới, thế rồi lại hồi hộp khi dòng điện được tạo ra không được lưu thông như những tính toán trên bản kế hoạch tiền khả thi.Trong khi đó, số lượng cam kết từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên toàn cầu để khử carbon hoàn toàn đã tăng gấp đôi trong năm ngoái. Trong khuôn khổ Chiến dịch Race to Zero (Cuộc đua đến 0) của Liên Hiệp Quốc, hơn 1.000 doanh nghiệp và 45 nhà đầu tư lớn nhất thế giới đã tham gia, hơn 600 công ty đã đặt mục tiêu cắt giảm khí thải dựa trên cơ sở khoa học.
Cần khoảng 50.000 tỉ USD đầu tư để chuyển đổi kinh tế toàn cầu hướng đến mức phát thải ròng bằng 0, ngăn chặn thảm họa khí hậu vào năm 2050. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), phần lớn việc giảm phát thải trước năm 2030 sẽ được thúc đẩy bởi các công nghệ hiện có như năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc giảm phát thải sau năm 2030 phụ thuộc vào các công nghệ đột phá chưa xuất hiện trên thị trường hiện tại như các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu dựa trên hydro, năng lượng sinh học và các giải pháp thu hồi và lưu trữ carbon.
“Đến năm 2050, thế giới năng lượng trông hoàn toàn khác”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo. Nhu cầu năng lượng toàn cầu nhỏ hơn khoảng 8% so với hiện nay nhưng có thể phục vụ một nền kinh tế lớn hơn gấp đôi và cho lượng dân số thêm 2 tỉ người. Gần 90% sản lượng điện đến từ các nguồn tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời và gió cùng nhau chiếm gần 70%. Hầu hết phần còn lại đến từ năng lượng hạt nhân. Năng lượng mặt trời là nguồn cung cấp tổng năng lượng lớn nhất thế giới. Nhiên liệu hóa thạch giảm từ gần 4/5 tổng nguồn cung năng lượng hiện nay xuống còn hơn 1/5. Nhiên liệu hóa thạch còn lại được sử dụng trong các hàng hóa mà carbon được thể hiện trong sản phẩm như nhựa, trong các cơ sở được trang bị hệ thống thu giữ carbon và trong những lĩnh vực khan hiếm các lựa chọn công nghệ phát thải thấp.
Đích đến…
Bức tranh net zero tại Việt Nam có sự phân hóa sâu sắc. Các công ty đa quốc gia đã vạch ra lộ trình trung hòa carbon từ nhiều năm trước và dường như vẫn đang bám sát con đường đã định với tấm bản đồ rõ ràng trong tay, họ biết họ muốn làm gì, cần nguồn lực gì và tìm kiếm nguồn lực đó từ đâu. Dưới áp lực giám sát và thu hút vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, một số doanh nghiệp niêm yết lớn cũng đã công bố kế hoạch tiến đến net zero trong tổ chức. Tuy nhiên, với phần lớn doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là những công ty gia đình, net zero dường như là một khái niệm xa vời trong chiến lược kinh doanh.
Với 75% phát thải đến từ chuỗi cung ứng gần 500 nhà cung cấp khác nhau, Unilever tại Việt Nam đặt mục tiêu net zero vào năm 2039. “Đây là một tham vọng rất lớn trên một chặng đường dài”, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển Bền vững Unilever Việt Nam, bày tỏ. Kế hoạch này trùng hợp với kế hoạch của Tập đoàn Unilever trên toàn thế giới.
Hiện tại, Unilever đã đạt được net zero trong chuỗi vận hành tại doanh nghiệp, tương ứng với phạm vi 1 và 2. Phát thải được tính trên 3 phạm vi (scope) và thách thức chính nằm ở phạm vi 3, đó là phát thải từ hàng hóa và dịch vụ mua vào và phát thải từ sản phẩm đã bán.
Unilever sử dụng 50-70% nhựa tái chế. Khi sản xuất 1 tấn nhựa tạo ra 5 tấn CO2 phát thải, thì lựa chọn hạn chế và tuần hoàn rác thải nhựa là giải pháp cho việc giảm thiểu lượng phát thải. Tuy nhiên, họ sẽ không thể khép kín vòng tuần hoàn nếu thiếu sự hợp tác của các bên trong chuỗi giá trị, từ người thu gom đến người tiêu dùng.
Với Unilever, nâng cao nhận thức là bước đi đầu tiên. Năm ngoái, công ty này đã tổ chức một hội thảo với 200 nhà cung ứng của mình để nói về giảm thiểu carbon và cam kết của Chính phủ về giảm thiểu carbon. Đại diện của Unilever nghĩ để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ cần phải có sự đóng góp của doanh nghiệp, không chỉ tập đoàn mà còn là những công ty vừa và nhỏ, tất cả những công ty nằm trong chuỗi cung ứng.
Bà Nhi nhận định thách thức mà Công ty đang đối mặt đến từ nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng và tôn trọng sản phẩm hàm chứa ít phát thải còn chưa cao. Doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu hóa thạch trong lúc cơ chế mua bán năng lượng sạch chưa rõ ràng. Quan trọng nhất là việc thiếu một hành lang pháp lý hỗ trợ từ Chính phủ.
Tháng 5/2023, song song với việc đạt chứng nhận net zero cho Nhà máy sữa tại Nghệ An, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố lộ trình để trung hòa carbon vào năm 2050. Theo kế hoạch, Vinamilk sẽ cắt giảm 15% phát thải khí nhà kính vào năm 2027, giảm 55% vào năm 2035 và trung hòa carbon vào năm 2050. Thế nhưng, câu chuyện phát triển bền vững của công ty sữa lớn nhất Việt Nam không đợi đến net zero mới bắt đầu mà đã khởi nguồn từ 20 năm trước.
Tuân thủ các quy định về xử lý nước thải ra môi trường thời đó, Vinamilk đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đầu tư chuồng trại và quy trình chăn nuôi bò để có thể sử dụng hệ thống tuần hoàn và đầu tư máy móc, thiết bị để sử dụng nhiên liệu ít hao tốn nhất. Gần đây, họ đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho 10 nhà máy và 13 trang trại sử dụng.“Tầm nhìn và cam kết của ban lãnh đạo công ty rất quan trọng”, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành Tài chính của Vinamilk, bình luận về động lực bắt đầu hành trình bền vững. Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần tồn tại và có hiệu quả, có lợi nhuận là được. Giờ đây việc tồn tại còn cần đi kèm một từ nữa: bền vững. “Không có cách nào khác, chúng ta phải thực hành ESG và câu chuyện tiếp theo là net zero”, ông Liêm phân tích. Điều đáng lưu ý, người 18 năm nắm tay hòm chìa khóa của công ty sữa lớn nhất Việt Nam nghĩ rằng điều mà doanh nghiệp nghĩ là một lựa chọn khi thực hành các hoạt động bền vững hoặc không vào thời điểm 10-15 năm trước, đã trở thành việc bắt buộc phải thực hiện. “Chỉ có một con đường. Điều khác biệt chỉ còn ở việc ai làm trước, ai làm sau”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, thực hành ESG hay net zero sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế nhất định. Một lợi thế đáng để cân nhắc là khả năng tiếp cận được những nguồn vốn với chi phí vốn thấp hơn so với doanh nghiệp bình thường. Một điểm thú vị là việc so sánh chi phí thực hiện với chi phí nếu không thực hiện. Khoản đầu tư bỏ ra hôm nay thường được xem là chi phí sẽ chuyển thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm. Ngược lại, nếu không đầu tư thì chưa tới 5 năm sau sẽ bị ảnh hưởng. “Vì người tiêu dùng rất thông minh”, ông Liêm giải thích. Quan tâm nhiều hơn đến việc các vấn đề môi trường bên ngoài chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành các hành động phát triển bền vững.
Khoản đầu tư bỏ ra hôm nay thường được xem là chi phí sẽ chuyển thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm. Ngược lại, nếu không đầu tư thì chưa tới 5 năm sau sẽ bị ảnh hưởng. “Vì người tiêu dùng rất thông minh”, ông Liêm giải thích. Quan tâm nhiều hơn đến việc các vấn đề môi trường bên ngoài chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành các hành động phát triển bền vững.
Chi tiết hơn, ông Jason Yeo Wee Peng, Giám đốc Phòng Quản lý dự án, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Từ góc nhìn doanh thu, khi người tiêu dùng ngày càng sáng suốt hơn về các sản phẩm được dán nhãn ESG, cho dù đó là thành phần có nguồn gốc bền vững hay bao bì 100% có thể phân hủy sinh học, cả 2 đều là tín hiệu bảo chứng cho một sản phẩm chất lượng. Theo một nghiên cứu của Nielsen, tăng trưởng doanh số bán lẻ của các sản phẩm được dán nhãn ESG đã tăng vượt trội, gần 1,7% trong giai đoạn 5 năm từ năm 2018-2022”.
Theo đại diện của UOB, khả năng trình bày chiến lược ESG, các sáng kiến, mục tiêu hiệu suất và quản lý rủi ro, cả ở cấp độ dự án và tổ chức, có thể sẽ cải thiện đánh giá ESG của doanh nghiệp và do đó, gửi tín hiệu tích cực đến đối tác cho vay, nhà đầu tư và đối tác bảo hiểm.
Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cũng cho biết, ngày càng nhiều nhà cung cấp của các doanh nghiệp đa quốc gia được đầu tư, cho vay hay thế chấp với lãi suất rẻ hơn nếu họ chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu, số liệu rõ ràng. Tại Việt Nam, những doanh nghiệp đã chứng minh được hoạt động mang tính bền vững sẽ có lợi thế trong việc tiếp cận vốn vay so với các doanh nghiệp có mức độ thực hành thấp hơn. “Tại HSBC, quy trình tín dụng và quy trình ESG ngày càng trở nên thống nhất hơn. Chúng tôi rất cam kết hỗ trợ khách hàng của mình chuyển đổi phù hợp với mục tiêu của quốc gia về phát thải ròng về 0”.
Không thể chối cãi việc thực hiện ESG hay theo đuổi mục tiêu net zero sẽ làm hao hụt hầu bao của các ông chủ công ty. Tuy nhiên, câu chuyện không nằm ở túi tiền nhiều hay ít, mà ở quyết tâm và cam kết của ban lãnh đạo công ty. Chẳng hạn, Coteccons đã tuyên bố rằng ESG là ưu tiên hàng đầu trong cuộc họp thường niên năm 2023, hay với các cổ đông. “Hiện nay 40% phát thải trên toàn cầu đến từ lĩnh vực xây dựng, một con số vô cùng lớn. Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với vấn đề này tương tự như bất kỳ lĩnh vực nào khác”, ông Herwig Guido H. Van Hove, thành viên Hội đồng Quản trị Coteccons, cho biết.
Hiện Coteccons đang thực hiện một dự án tỉ USD với Tập đoàn LEGO trong việc xây dựng nhà máy không phát thải khổng lồ. Đây là một thử thách cực kỳ khó khăn nhưng cũng là kinh nghiệm để xây dựng những tòa nhà không phát thải hiệu quả hơn nữa trong tương lai. “Và để hiện thực hóa tầm nhìn, có rất nhiều thứ cần phải làm như đào tạo và nâng cao nhận thức của đội ngũ doanh nghiệp. Khâu này chắc chắn sẽ tốn kém, nhưng nhìn về dài hạn, lợi ích nó mang lại còn lớn hơn nhiều”, lãnh đạo của Coteccons nói.
Trong 10 nước ASEAN, 8 nước đã công bố mục tiêu quốc gia đạt được phát thải ròng khí nhà kính hoặc trung hòa carbon vào năm 2050, ngoại trừ Indonesia cam kết net zero vào năm 2060 và Philippines không cam kết mục tiêu net zero. Theo S&P Global, lượng khí thải CO2 của ngành điện ASEAN sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh 805 triệu tấn (MMT) vào năm 2029. Lượng khí thải sau đó sẽ ổn định từ năm 2029 đến năm 2040, khi khu vực ngừng sử dụng 20 GW công suất điện than (40% từ Malaysia) trong giai đoạn này trong khi bổ sung 54 GW công suất khí mới để cung cấp sản lượng điện ổn định và cân bằng năng lượng tái tạo.
S&P Global đã thực hiện một đánh giá trong ngành điện, ngành gây ra phát thải chính trong khu vực. Họ cho rằng trong 5-15 năm tới, Singapore được định vị là người dẫn đầu trong việc khử carbon trong ngành điện. Singapore là quốc gia duy nhất dự báo giảm phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2019. Theo sau là Malaysia và Thái Lan, mỗi nước có mức tăng trưởng 11% và 12%. Việt Nam nằm trong nhóm đi sau cùng với Indonesia và Philippines vì còn phụ thuộc quá nhiều vào điện than và nguồn tài chính bên ngoài để tài trợ cho các dự án.
Singapore đã công bố kế hoạch Singapore Green Plan 2030, vạch ra các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chương trình quốc gia về phát triển bền vững. Kế hoạch được dựa trên 5 trụ cột chính liên quan đến mọi khía cạnh cuộc sống, biến Singapore thành một thành phố trong tự nhiên bằng việc trồng thêm 1 triệu cây xanh. Họ cũng hướng tới cuộc sống bền vững bằng cách giảm 30% lượng rác thải ra bãi chôn lấp, mở rộng đường xe đạp, đường đi bộ trong rừng và yêu cầu toàn bộ xe chạy bằng năng lượng sạch vào năm 2040. Ít nhất 1/5 trường học sẽ đạt trung hòa carbon.
Thái Lan cũng nằm trong nhóm dẫn đầu, sau Singapore. Phát thải của ngành điện Thái Lan sẽ tăng nhẹ từ dầu mỏ trong giai đoạn 2022-2023 do một số nhà máy khí đốt đã tạm thời chuyển sang đốt dầu do giá khí đốt tăng cao. Từ năm 2024 trở đi, lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ khiêm tốn khi quốc gia này quản lý để hạn chế sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than. Tương tự như Thái Lan, Malaysia được xếp hạng cao từ góc độ carbon thấp. Quốc gia này đã ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và công bố kế hoạch loại bỏ đội tàu than hiện có theo từng giai đoạn hoặc sau khi PPA với từng cơ sở hết hạn. Ngoài ra, Malaysia được ưu đãi với nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào và nước này có thể nhanh chóng tăng công suất khí đốt để bù đắp cho sự mất mát công suất từ than đá.
Việt Nam, Indonesia và Philippines đối mặt với tình thế khó xử tương tự nhau. Có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất ASEAN, họ đòi hỏi công suất điện mới đáng kể để duy trì nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Trong khi đó, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào điện than để sản xuất ra nguồn điện giá rẻ.
Việt Nam đã công bố mục tiêu phát thải ròng về 0 và đưa ra cam kết bỏ than tại COP26, nhưng chưa có báo cáo chiến lược nào được đưa ra để làm rõ lộ trình đạt được mục tiêu không sử dụng than. Trên thực tế, mặc dù các dự thảo PDP8 cho thấy hệ thống điện của Việt Nam sẽ tập trung vào khí đốt và gió, công suất của than và gió thay đổi lên xuống trong các dự thảo khác nhau và việc công bố cuối cùng đã nhiều lần bị trì hoãn cho đến tháng 5/2023.
… Hay hành tình?
Không chỉ là việc cộng trừ các con số khí nhà kính thải ra bầu không khí, hành trình đi đến mục tiêu mới là điều thực sự tạo ảnh hưởng. Ở đó, vai trò của các doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, ESG (môi trường – xã hội – quản trị) nổi lên như một công cụ để doanh nghiệp hướng đến bền vững và sau đó đạt được mục tiêu net zero.“Sáng ngủ dậy chúng ta không thể ngay lập tức trở thành một doanh nghiệp bền vững nhưng có thể làm tốt hơn mỗi ngày”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, VinaCapital, bình luận. Bằng cách triển khai những sáng kiến đơn giản trước, tiếp đó là lộ trình dài hạn được triển khai một cách lâu dài, phát triển bền vững là một chặng đường dài. “Chúng ta phải biết hiện nay đang ở đâu, cần phải đối diện với những gì, vấn đề gì là quan trọng nhất và từ đó xây dựng một lộ trình như thế nào”, ông Công phân tích thêm. Ở chiều ngược lại, ESG được đề nghị đưa vào quy trình làm việc hằng ngày, đến từng nhân viên.
Đặt lên bàn cân để so sánh với chi phí triển khai ESG chính là chi phí cơ hội doanh nghiệp bỏ lỡ nếu không triển khai ESG. Người đại diện của nhà đầu tư tài chính VinaCapital lấy ví dụ về ngành đóng góp tỉ trọng lớn cho danh mục xuất khẩu của Việt Nam, ngành dệt may. Khi đơn hàng nhiều, khách hàng sẽ cần đặt nhiều nhà sản xuất để có thể đáp ứng nhu cầu. Nhưng khi nhu cầu thắt lại trong lúc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu như hiện tại, khách hàng sẽ ưu tiên những doanh nghiệp triển khai ESG tốt hơn. “Doanh nghiệp Việt nếu không thực hành tốt ESG hoặc không sớm triển khai những gì liên quan thì tôi nghĩ chỉ 3-5 năm tới sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội”, ông Công nhận xét.
“Nếu chọn một từ, tôi nghĩ sẽ chọn sự cam kết”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, bình luận về điểm xuất phát để theo đuổi phát triển bền vững. Doanh nghiệp biết mình đang ở đâu, đi như thế nào và liên tục cải thiện trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh. Cần sự cam kết rất cao từ ban lãnh đạo cũng như toàn bộ công nhân viên của doanh nghiệp tập trung theo đuổi cho chiến lược và con đường sẽ đi đến.
“Một chiến lược cụ thể, một con đường cụ thể, rõ ràng và truyền thông con đường đó xuống cho tất cả nhân viên và các đối tác của mình”, bà Vân nói thêm. Trên con đường phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đi cùng nhau vì đây không phải là con đường của một người. “Quan trọng là chúng ta phải bắt đầu chặng đường đó,” bà Vân bình luận.
“Khả thi”, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia, lạc quan khi bình luận về khả năng trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Net zero cần công nghệ và vị lãnh đạo của doanh nghiệp công nghệ đầy tin tưởng vào những công nghệ sẵn có và sẽ phát triển trong tương lai của Việt Nam. Những dự án năng lượng tái tạo đã xây dựng, chiếm 27% tổng công suất thiết kế của ngành năng lượng, cũng là điều củng cố thêm niềm tin vào tương lai của ông Lâm. “Cần có quyết tâm và phải hành động ngay từ bây giờ”, ông Lâm nói về điều kiện đủ để những tính toán về 0 hoàn tất trong tương lai.
Không quá lạc quan, Giám đốc Điều hành Tài chính của Vinamilk cho rằng nếu hành động ngay thì xã hội sẽ có tương lai. “Nếu tại năm 2050, chúng ta có thể tuyên bố đi về gần đến đích cũng là một thành tích khá tốt đối với Việt Nam”, ông Liêm nói về một tương lai khi con số 0 có thể chưa đạt được, nhưng một giá trị thấp hơn cũng là phần thưởng xứng đáng để cố gắng.
“Dù chúng ta có đạt được hay không đạt thì mục tiêu net zero sẽ là một động lực để chúng ta ý thức hơn về vấn đề môi trường, về phát triển bền vững, để chúng ta có thể gìn giữ môi trường tốt hơn cho thế hệ tương lai”, ông Phạm Duy Khiêm, Giám đốc Chuỗi cung ứng toàn quốc của DKSH Việt Nam, bày tỏ.
Bài viết: Thanh Hằng
Ảnh: Quý Hòa – Tuyển Phan