Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền cảnh báo các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Ngày 3/7, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cảnh báo Biến đổi Khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
Phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Volker Turk cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ.
Ông trích dẫn số liệu chính thức, cho biết trong năm 2021 hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa.
Ông chỉ ra các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.
Ông Volker Turk nhấn mạnh giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau.
Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền cho rằng nhân loại hiện có trong tay những công nghệ tân tiến và tối ưu nên hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi thực trạng biến đổi khí hậu này.
Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Ông Volker Turk cho rằng Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra ở Dubai vào tháng 11 và 12 tới đây, phải là một sự kiện mang tính quyết định và giúp thay đổi cuộc chơi trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ông cũng cảnh báo nguy cơ từ các hành vi “tẩy xanh” xuất phát từ lòng tham con người, theo đó kêu gọi các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn.
Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP 21) diễn ra ở Paris, Pháp, là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu.
Các nước ký Hiệp định đã nhất trí hợp tác để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình thế giới là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), với các xu hướng chính sách hiện tại, nhiều khả năng mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này sẽ vào khoảng 2,8 độ C.
Phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc kéo dài đến ngày 14/7.