Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy, giai đoạn năm 2019 đến hết năm 2021, các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự với trên 500 bị cáo bị truy tố. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm buôn bán ĐVHD ở Việt Nam còn phức tạp, bất chấp quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các tổ chức bảo tồn.
Tội phạm động vật hoang dã gia tăng
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về ngăn chặn săn bắt và buôn bán các loài động thực vật, ĐVHD, đồng thời, tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học như Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về đa dạng sinh học (CBD). Tuy nhiên, các con số thống kê về vi phạm liên quan đến ĐVHD không cho thấy vấn nạn này đã được cải thiện.
Theo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép thực vật, ĐVHD diễn ra trên toàn thế giới, ở tất cả các thời điểm với nhiều đối tượng tham gia và thủ đoạn tinh vi. Lợi nhuận của hoạt động này khoảng 21 tỷ USD/năm. ASEAN là một trong những điểm nóng về buôn bán ĐVHD với nhiều quốc gia chung đường biên giới và cùng khai thác biển Đông. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong các nước ASEAN đóng 3 vai trò trong đường dây buôn bán bất hợp pháp các loài ĐVHD quốc tế: Xuất khẩu/tái xuất khẩu – nhập khẩu – trung chuyển.
Tại Việt Nam, tội phạm buôn bán, vận chuyển ĐVHD hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi và ngày càng gia tăng. Theo báo cáo công tác xử lý tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD trong 5 năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
Năm 2017, số vụ án hình sự về ĐVHD là 94 vụ với 134 đối tượng bị bắt giữ thì năm 2021, con số này là 161 vụ với 251 đối tượng. Sự gia tăng này có thể là biểu hiện của tính hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng, tình trạng buôn bán ĐVHD vẫn còn nghiêm trọng.
Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2018-2023, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng buôn bán ĐVHD với khối lượng lớn tang vật. Trong đó, đã có 50 vụ buôn bán vảy tê tê bị điều tra, xét xử, tịch thu 40.000kg. 53 đối tượng bị truy tố, xét xử liên quan đến tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ngà voi, với mức phạt trung bình 5,3 năm tù; 20 tấn ngà voi bị tịch thu. 26 đối tượng bị xử phạt, với mức tù trung bình 6,6 năm tù do buôn bán sừng tê giác; tịch thu trên 500kg sừng tê giác.
Riêng loài mèo lớn châu Á, từ năm 2018-2023, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ, xử lý một số vụ án điển hình như: bắt giữ đối tượng nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ tại Nghệ An, tháng 2/2022; bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển 1 cá thể hổ nặng 200kg ở Lai Châu, tháng 3/2022; bắt 3 đối tượng vận chuyển 7 cá thể hổ con tại Hà Tĩnh, tháng 8/2021. Tất cả các đối tượng vi phạm đều bị khởi tố hình sự.
Nhiều khó khăn do thiếu thông tin và cơ chế phối hợp hiệu quả
Với những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ ĐVHD, Việt Nam đã ban hành một khung pháp lý về thực thi CITES và quản lý buôn bán thực vật, ĐVHD như: Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Thủy sản 2017; Luật Bảo tồn đa dạng sinh học (2008); Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES có hiệu lực từ ngày 10/3/2019…
Trong đó, theo Luật Lâm nghiệp, các hành vi bị cấm bao gồm: Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật. Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
Đối với loài phân bố trong nước, Luật Đầu tư 2020 quy định 39 loài thực vật, 93 loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và 126 loài động vật, thực vật thủy sinh cấm đầu tư, kinh doanh mẫu vật từ tự nhiên. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cũng quy định rất cụ thể các hành vi bị xử lý với mức xử phạt rất nặng có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, phạt đến 15 tỷ đồng. Pháp nhân thương mại (công ty, tổ chức) cũng bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến ĐVHD gặp nhiều khó khăn, thách thức do lợi nhuận trong buôn bán ĐVHD quá cao, trong khi cách tiếp cận vấn đề khác nhau giữa các cơ quan quản lý, thực thi, các tổ chức, thể chế không toàn diện. Ở cấp độ địa phương, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa ưu tiên trong lĩnh vực chống buôn bán ĐVHD.
Trong khi đó, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về kiểm soát buôn bán ĐVHD thường xuyên thay đổi dẫn đến thiếu hiệu quả trong hợp tác. Bên cạnh đó, hiện còn thiếu quy định về ĐVHD trong các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, chưa có quy định tài nguyên du lịch, môi trường du lịch gồm ĐVHD.
Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh cho biết, một trong những thách thức đối với công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến ĐVHD là nhận thức của người dân còn thấp, mức độ ưu tiên kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã chưa cao ở một số cơ quan, địa phương; năng lực điều tra, nhận dạng, áp dụng công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi luật bảo vệ ĐVHD còn hạn chế.
Ở cấp độ quốc tế, vị trí địa lý của Việt Nam thuận lợi nằm trong tuyến đường vận chuyển, trung chuyển ĐVHD. Theo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, tội phạm xâm hại ĐVHD có sự liên kết với tội phạm buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người. Buôn bán, vận chuyển ĐVHD mang tính xuyên quốc gia, thường sử dụng công nghệ cao để buôn bán bất hợp pháp ĐVHD, sử dụng các mạng xã hội với các tài khoản ảo, gây nhiều khó khăn trong điều tra, xử lý hành vi vi phạm.
Thống kê từ các vụ vận chuyển ngà voi, sừng tê giác, tê tê cho thấy, các chuyến hàng lớn có xuất xứ từ các nước châu Phi, Indonesia… trung chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau trước khi đến Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin từ các nước nguồn không được chia sẻ. Hơn nữa, chưa có các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi khiến công tác đấu tranh với tội phạm buôn bán ĐVHD gặp khó khăn hơn.