Trên các trang web đen ở Australia, các loài bọ cánh cứng khổng lồ Goliath và bọ cạp vàng Trung Quốc được rao bán nhiều nhất. Các loài được quảng cáo phổ biến nhất là bọ que, nhện Tarantula và kiến.
Trong nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học tại Đại học Adelaide (Australia) phát hiện ra rằng hoạt động buôn bán trực tuyến các loài động vật không xương sống trên cạn ở Australia đang diễn ra ngày càng phổ biến và điều này đòi hỏi quốc gia châu Đại Dương này cần có biện pháp quản lý phù hợp.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tác giả chính của nghiên cứu, Phó Giáo sư Phill Cassey – Trưởng Khoa sinh thái và sinh học tiến hóa tại Đại học Adelaide-cho biết nghiên cứu chỉ rõ có 264 loài đang được mua bán trực tuyến ở Australia, từ nhện, bọ cạp, đến bọ cánh cứng và ốc sên.
Đáng chú ý, một số trang web “đen” còn là nơi rao bán các loài bọ cánh cứng khổng lồ Goliath và bọ cạp vàng Trung Quốc. Các loài được quảng cáo phổ biến nhất là bọ que (stick insect), nhện Tarantula và kiến, trong đó có 57 loài kiến “kỳ lạ” đang được rao bán.
Nghiên cứu cũng cho thấy một số loài được săn lùng nhiều nhất là những loài “nguy hiểm” nhất, trong đó có loài có thể gây ra những vết chích hoặc cắn nghiêm trọng hoặc có thể gây tử vong cho con người.
Trong khi hầu hết các loài động vật không xương sống đang được giao dịch có nguồn gốc từ Australia, nghiên cứu cũng phát hiện ra 3 loài ngoại lai có tính xâm lấn cao trên các chợ trực tuyến là ốc sên vườn trắng, ốc sên châu Á và kiến đầu to châu Phi.
Đây đều là những loài được đánh giá là gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với an toàn sinh học của Australia, đặc biệt là đối với nông nghiệp, lâm nghiệp và thậm chí cả sức khỏe cộng đồng.
Các nhà khoa học cho rằng đôi khi những con “thú cưng” kỳ lạ trốn thoát ra ngoài hoặc được chủ của chúng thả ra ngoài môi trường, điều này dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng.
Chẳng hạn như nhện Mexican Red Rump Tarantula (nhện đất có màu nhung đen và một đám lông màu đỏ ở vùng bụng) đang trở thành động vật ngoại lai xuất hiện phổ biến ở bang Florida (Mỹ) hay loài ốc sên đất khổng lồ châu Phi đang gây thiệt hại hàng triệu USD cho các loài thực vật bản địa và cây trồng nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Phó Giáo sư Phill Cassey cho biết: “Động vật không xương sống được cho là chiếm gần 95% trong số các loài động vật, nhưng chúng thường ít được nghiên cứu hoặc ít được quan tâm bảo tồn. Hầu hết mọi người thường không chú ý đến việc chúng bị tuyệt chủng”.
Sách đỏ của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) về các loài đang bị đe dọa hiện đang cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn động vật hoang dã trên toàn cầu.
Tuy nhiên, đợt nghiên cứu lần này của các nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide cho thấy hầu hết tất cả các loài (trên 90%) đang được buôn bán, đều chưa được IUCN đánh giá về thực trạng bảo tồn.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về quy mô và mức độ đa dạng của các loài động vật không xương sống được mua bán ở Australia.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng Australia cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn trong việc quản lý hoạt động mua bán động vật không xương sống trực tuyến và đây là một hành động quan trọng nhằm cân bằng giữa việc tham gia nỗ lực bảo tồn một cách hiệu quả và thúc đẩy mối liên kết hơn giữa con người với thiên nhiên.