Kế hoạch huy động 100 tỷ USD lần đầu tiên được công bố vào năm 2019, theo đó, các quốc gia giàu sẽ cho IMF vay tính theo Quyền rút vốn đặc biệt để IMF có thể cho các nền kinh tế dễ tổn thương vay.Ngày 22/6, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông báo các quốc gia giàu đã đạt được mục tiêu phân bổ lại 100 tỷ USD trong các quỹ của tổ chức này để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển.
Trả lời phỏng vấn báo giới trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính Toàn cầu Mới ở thủ đô Paris (Pháp), bà Georgieva nhấn mạnh IMF đã đạt được mục tiêu huy động 100 tỷ USD cho các nỗ lực nói trên.
Trước hội nghị, IMF vẫn cần thêm 40 tỷ USD để đạt mục tiêu này.
Kế hoạch huy động 100 tỷ USD lần đầu tiên được công bố vào năm 2019, theo đó, các quốc gia giàu sẽ cho IMF vay tính theo Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để IMF có thể cho các nền kinh tế dễ tổn thương vay.
SDR là dạng tài sản dự trữ ngoại hối do IMF đặt ra vào năm 1969 và được phân bổ cho các quốc gia tham gia dựa trên tỷ lệ đóng góp cho ngân sách IMF.
Trước hội nghị, Pháp và Nhật Bản thông báo hai nước sẽ tái triển khai việc dành 30% SDR của họ để đóng góp cho mục đích này.
Cả IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giúp các nước đối phó với biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, IMF đã ra mắt Quỹ tín thác về khả năng phục hồi và bền vững (RST), với số vốn 40 tỷ USD, để cung cấp các khoản vay dài hạn cho các dự án tài trợ liên quan.
Bangladesh, Barbados, Costa Rica và Rwanda là những nước đầu tiên được hưởng khoản tài trợ của IMF.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch David Malpass đã tìm kiếm được khoản tài trợ gấp 2 lần cho khí hậu (32 tỷ USD) và đưa ra kế hoạch hành động chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu giai đoạn 2021 đến 2025.
Tuy nhiên, cả hai thể chế tài chính quốc tế này đều thừa nhận rằng năng lực tài chính của họ hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển, mà IMF ước tính sẽ lên tới 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.
Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ sự kiện trên, Giám đốc WB Ajay Banga đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của thiên tai, bao gồm cả việc hoãn trả nợ cho các quốc gia đi vay.
Động thái này nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp ứng phó với khủng hoảng, cải cách các hệ thống tài chính sau chiến tranh và giải phóng các quỹ để ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách đạt được sự đồng thuận cấp cao nhất đối với phương thức thúc đẩy triển khai một số sáng kiến đang gặp khó khăn trong các tổ chức như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF, Liên hợp quốc.
Cũng trong ngày, chủ trì hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng không quốc gia nào đáng phải lựa chọn giữa giải quyết nghèo đói và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông, thế giới cần “cú sốc tài chính công” để đương đầu với những thách thức này, song hệ thống hiện tại không phù hợp để giải quyết chúng.
Vì vậy, nhà lãnh Pháp kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế cần phải hành động ngay lập tức để thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống tài chính toàn cầu để củng cố lòng tin của người dân.
Ông cho rằng 2 năm tới sẽ là quãng thời gian hết sức quan trọng cho các nỗ lực này.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhận định các tổ chức tài chính toàn cầu hiện nay quá nhỏ, khả năng thực hiện nhiệm vụ bị hạn chế.
Nhìn chung, cấu trúc này đã lỗi thời, chức năng nhiễu loạn và không công bằng, do vậy không làm tròn sứ mệnh cung cấp một mạng lưới an toàn toàn cầu cho các quốc gia đang phát triển.
Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới nhằm mục đích tìm kiếm các giải pháp tài chính cho các mục tiêu có tính liên kết toàn cầu nhằm giải quyết nghèo đói, hạn chế khí thải làm nóng hành tinh và bảo vệ thiên nhiên.
Tham dự hội nghị khai mạc cùng ngày còn có Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng hàng chục nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế khác trên thế giới.