Xanh hóa là bắt buộc khi nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu đi thuê ngoài dịch vụ, sẽ yêu cầu tiêu chuẩn khí thải đối với các doanh nghiệp logistics thứ 3.
Áp lực cạnh tranh đang đòi hỏi doanh nghiệp logistics Việt Nam phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hóa và số hóa. Đáng chú ý gần đây là mô hình “Bưu cục di động” của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Mô hình này giúp doanh nghiệp cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Đồng thời, Viettel Post cũng triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia, chọn, phân phối bưu phẩm, bưu kiện để cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng, máy điều hòa nhiệt độ…
Chuyển đổi số nhằm giảm chi phí, giảm phát thải cũng là một trong những xu hướng được các doanh nghiệp logistics hưởng ứng. Tháng 3/2023 vừa qua, U&I Logistics ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào hệ thống kho ngoại quan, lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Tương tự, với ứng dụng phần mềm văn phòng không giấy tờ được U&I Logistics xây dựng và triển khai giúp các lô hàng được xử lý, giám sát chặt chẽ hơn.
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho biết ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng chặng cuối và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty và nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí, tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.
Các hoạt động phân phối cốt lõi như phân bổ nhiệm vụ, lập lịch, quản lý danh sách, thanh toán cho tài xế, lựa chọn 3PL đều có thể ứng dụng tự động hóa. Không chỉ làm giảm chi phí, tự động hóa giúp các doanh nghiệp logistics quản lý trên quy mô lớn.
Các công cụ quản lý hoạt động logistics dựa trên trí tuệ nhân tạo (A.I) và tự động hóa có thể tiết kiệm 56% thời gian trong quy trình xử lý lô hàng. Đồng thời, công nghệ giúp giảm 65% quy trình nhập dữ liệu thủ công và tiết kiệm 77% các bước để thực hiện hoạt động vận chuyển.
Nhìn chung, việc đầu tư công nghệ theo định hướng phát triển dài hạn và theo chuẩn quốc tế giúp liên kết dễ dàng với hoạt động logistics toàn cầu. Đó là lý do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang từng bước ứng dụng A.I vào hoạt động chăm sóc khách hàng.
Trợ lý ảo của Tân Cảng Sài Gòn được học máy 25 kịch bản, 301 bước quy trình, 4.532 câu mẫu để trả lời tự động cho khách hàng. Với kiến thức được trang bị đó, Chatbot Pi có thể trả lời ngay lập tức các vấn đề của khách hàng với tỉ lệ 100% khách hàng liên hệ đều nhận được phản hồi. Trong tương lai, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ tích hợp thêm các công nghệ để thiết lập mô hình đa kênh (omni-channel) nhằm đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn trong ngành khai thác cảng và cung cấp dịch vụ logistics.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, những năm gần đây mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 song ngành logicstics Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỉ USD/năm.