Một cách giúp người nông dân tăng khả năng quản lý rủi ro biến đổi khí hậu và cải thiện thu nhập.
Nếu hỏi một người nông dân trồng cà phê ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên rằng họ có muốn mua bảo hiểm thời tiết không, thì nhiều khả năng sẽ nhận được câu trả lời lưỡng lự hoặc không. Họ nói hạn hán đã có hồ chứa nước, bão lũ thì không trùng mùa trái, việc gì phải lo. Tương tự với người nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, những nhà thu mua lớn của họ không nghĩ như vậy. Họ đã bắt đầu mua loại bảo hiểm cho việc “nắng mưa là chuyện của trời” ngay từ khi sản phẩm này vừa ra mắt vào vụ lúa thu đông năm ngoái.
Tháng 12/2022, Igloo giới thiệu bảo hiểm chỉ số thời tiết (Weather Index Insurance – WII) đầu tiên dành cho loại nông sản có sản lượng xuất khẩu lớn nhất nước là gạo. 3 tháng sau, loại nông sản chủ lực thứ 2 của Việt Nam được đưa vào danh mục bảo hiểm là cà phê. Cả 2 đều dành cho những vùng trồng trọng yếu của mỗi loại nông sản – vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long và thủ phủ cà phê Tây Nguyên.
Năm 2015-2016, đồng bằng sông Cửu Long chứng kiến đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại. Chỉ 4 năm sau, mùa vụ 2019-2020 trải qua đợt hạn mặn phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Dù chính quyền đã cảnh báo đến nông dân, vẫn có hơn 41.000 ha lúa bị thiệt hại năng suất. Biến đổi khí hậu cũng được dự báo sẽ khiến ngày nóng ở Tây Nguyên tăng lên 134 ngày vào năm 2050 và 230 ngày vào năm 2100, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cà phê. Năm 2016, khô hạn trong 6 tháng đầu năm đã khiến 5.570 ha trồng cà phê bị mất trắng, 193 hồ chứa nước khô cạn, tổng thiệt hại ước tính hơn 3.000 tỉ đồng.
Chi khoảng 220.000 đồng bảo hiểm cho mỗi ha hoa màu, nông dân sẽ nhận được tiền bảo hiểm từ vài trăm ngàn đến 4 triệu đồng nếu lượng mưa dựa theo trạm quan trắc trên mặt đất vượt quá ngưỡng cực đoan (cao) hoặc ngưỡng hạn hán (thấp). Thông qua hợp tác công tư, Igloo kỳ vọng sẽ tăng diện tích bảo vệ từ 6.000 ha lên 50.000 ha trong những mùa vụ sắp tới.
Khác với bảo hiểm truyền thống, cần tốn một khoảng thời gian để xác định thiệt hại trước khi chi trả bồi thường cho nông dân, WII tự động kích hoạt bồi thường khi lượng mưa vượt hoặc dưới ngưỡng mà không cần xem xét con số thiệt hại (nếu có) trên thực tế. Lượng mưa là một thông số khách quan được lấy từ dữ liệu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, vì vậy, việc bồi hoàn bảo hiểm trở nên đơn giản với nông dân. Về lý thuyết, việc bồi hoàn sẽ tiến hành tự động ngay tại thời điểm đo được lượng mưa bất thường, nhờ đó nông dân có thể chủ động dùng tiền để khắc phục hậu quả, như gieo mạ mới.
WII được World Bank giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2003 tại Ấn Độ, quốc gia nông nghiệp đông dân thứ 2 trên thế giới, nhằm tăng khả năng hồi phục của nông dân trước những rủi ro của biến đổi khí hậu. 4 năm sau, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng bảo hiểm này để thay thế cho loại bảo hiểm thu hoạch đang sử dụng. Và theo Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT), đến năm 2012, gần 12 triệu nông dân trồng 40 loại hoa màu trên 14 triệu ha đã được bảo hiểm trước tổn thất do thời tiết gây ra.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thông qua việc giảm thiểu tác động tiêu cực do các hiện tượng thời tiết cực đoan, WII giúp nông dân tăng khả năng quản lý rủi ro và cải thiện thu nhập. Tại Indonesia, những nông dân trồng lúa được bảo hiểm đã tăng lợi nhuận của họ lên 26%. Ngoài ra, WII có thể khuyến khích nông dân theo đuổi các công nghệ thích nghi với biến đổi khí hậu bằng cách mua một gói bảo hiểm, trong đó có những tập quán hoặc công nghệ canh tác cụ thể.
Thị trường mới còn rộng mở. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống kê trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm nông nghiệp là con số rất khiêm tốn, chỉ 32 tỉ đồng so với 49.792 tỉ đồng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ. Đến năm 2026, GlobalData dự báo ngành này sẽ đạt doanh thu 3,5 tỉ USD (tương đương 82.250 tỉ đồng) với tốc độ tăng trưởng trên 8% mỗi năm. “Chỉ cần tăng tỉ lệ thâm nhập bảo hiểm lên 1% sẽ giúp giảm gần 22% chi phí khắc phục thảm họa”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam, cho biết.
Tuy không có rào cản ngăn những người mới gia nhập ngành, việc đầu tư cho công nghệ bảo hiểm khá tốn kém. “Chúng tôi mất 9 tháng để hoàn thành sản phẩm này”, ông Trí nói về khoản chi phí đầu tư phát triển sản phẩm. Ông cũng cho biết Igloo sẵn sàng chia sẻ thị trường với những người đến sau, bởi “miếng bánh còn quá lớn”, với 3,9 triệu ha diện tích sản xuất lúa mỗi năm ở đồng bằng sông Cửu Long và 639.000 ha trồng cà phê tại Tây Nguyên.
Tuy nhiên, chuyên gia của ADB chỉ ra một trong những trở ngại chính là xác định tỉ lệ bồi thường phù hợp với mất mát thực tế mà nông dân gánh chịu. Tỉ lệ bồi thường thấp hơn kỳ vọng sẽ khiến nhu cầu mua bảo hiểm thấp. Sau nửa năm triển khai, đây cũng chính là bài toán mà Igloo đang tìm lời giải. Một chuyên gia kỹ thuật ngành lúa đang trực tiếp thử nghiệm WII tại vùng nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long tiết lộ: “Vẫn còn khúc mắc về cách bồi thường cho đơn vị mua bảo hiểm đối với lúa gạo”. Không đơn giản như bảng minh họa về lượng mưa và số tiền bồi thường mà Igloo đã công bố, các chuyên gia của họ vẫn chưa chỉ ra được những tiêu chí rủi ro từ thời tiết, cách nhận biết và kết quả để đồng ý bồi thường cho người mua.
Igloo cũng gặp trở ngại khi chưa có nhiều kiến thức thực tế về chuỗi giá trị nông sản. Ban đầu, Igloo nghĩ bảo hiểm này sẽ được chào đến nông dân, thế nhưng khi thử nghiệm chính thức, những người đầu tiên mua bảo hiểm lại là các đại lý bao tiêu sản phẩm cho người nông dân đó. Trên trang hero.market, một nền tảng kết nối nông dân với người mua và các nhà cung cấp dịch vụ, họ niêm yết giá bảo hiểm thời tiết 10 USD (khoảng 235.000 đồng) cho mỗi ha lúa và miễn phí đối với nông dân thuộc mạng lưới của Farm Angel, nhà thu mua và đồng thời là người phát triển nền tảng kết nối này. Với họ, đây được xem như một dịch vụ dành cho nông dân.
Một thách thức khác là khoản phí mà nông dân phải trả. Dù thấp hơn bảo hiểm truyền thống, khoảng 5% giá trị bồi thường, nhưng phí WII đang tiếp tục tăng ở nhiều nước vì tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan hoặc thảm họa thiên nhiên ngày càng tăng.