Hoạt động sản xuất của Mỹ đang bị thu hẹp, các nhà máy ở châu Âu gặp khó khăn, còn Trung Quốc cũng không khá hơn là bao.
Các nhà sản xuất trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhu cầu suy yếu khi triển vọng kinh tế ngày càng trở nên u ám.
Theo các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây do công ty dữ liệu S&P Global công bố, các nhà máy ở Mỹ và trên khắp khu vực đồng euro ghi nhận số đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất trong tháng 5 đã sụt giảm, trong khi lượng đơn hàng tồn đọng đã giảm.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy ngành sản xuất tại Mỹ đã rơi vào vùng suy giảm trong tháng 5. Một khảo sát tương tự của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cũng cho thấy ngành sản xuất của Mỹ đã suy giảm tháng thứ 7 liên tiếp, riêng tháng 5 suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước.
Dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cũng cho thấy nhiều dấu hiệu khởi đầu của một cuộc suy thoái. Bộ thương Mại Mỹ đầu tuần trước cho biết đơn hàng sản xuất, không bao gồm vận tải, đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 4. Nếu không tính mảng quốc phòng, trong vòng nửa năm tính tới tháng 4 đơn hàng sản xuất đã giảm trong 4 tháng.
Tại khu vực đồng tiền chung euro, số lượng đơn hàng mới và đơn hàng tồn đọng tháng 5 đều giảm trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất ở khu vực này suy giảm với tốc độ nhanh hơn, theo S&P Global. Trước đó, vào tháng 3, sản lượng công nghiệp của 20 quốc gia trong khu vực này giảm mạnh, chủ yếu do sự suy giảm ở Ireland.
Tình hình ở Trung Quốc cũng không khá hơn là bao.
Tình hình kinh doanh trong ngành sản xuất của Trung Quốc, ngành sản xuất lớn nhất thế giới, đã được cải thiện trong tháng 5, theo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Caixin. Các nhà đầu tư đã có thể tạm thở phào trước những lo ngại rằng tăng trưởng đang chững lại ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm 7,5% trong tháng 5 so với 1 năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1.
Số liệu thương mại không ổn định của Trung Quốc phản ánh nhu cầu yếu đối với hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh những khó khăn kinh tế khác mà nước này phải đối mặt như tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và sự sụt giảm sâu trong lĩnh vực bất động sản.
Trên toàn cầu, sự lạc quan của các nhà sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12, theo PMI Sản xuất Toàn cầu của JPMorgan.
Điều gì dẫn đến suy yếu?
Người tiêu dùng trên toàn cầu buộc phải cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ vào năm 2020 vì đại dịch, dẫn đến sự bùng nổ mua hàng hóa. Điều này cũng khiến lượng đơn hàng tồn đọng của các nhà sản xuất tăng lên nhanh chóng.
Kể từ đó, người tiêu dùng đã trở lại chi tiêu cho các dịch vụ khi các quốc gia trên toàn cầu hủy bỏ các hạn chế phòng dịch. Cả ở Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp khách sạn đang chuẩn bị cho một mùa hè với lượng du khách kỷ lục. Các nhà kinh tế cho biết sự thay đổi đang diễn ra đối với chi tiêu dịch vụ, cùng với các tình hình tài chính thắt chặt hơn do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng hóa.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ cuối năm ngoái, sau nhiều năm áp đặt các hạn chế hà khắc để phòng dịch, được kỳ vọng sẽ mang lại “động lực mới” cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế nước này không được như kỳ vọng và khả năng Trung Quốc giúp hồi sinh tăng trưởng toàn cầu ngày càng giảm.
Ông Tom Garretson, chiến lược gia cấp cao về danh mục tại RBC Wealth Management US, nhận định: “Hiện tại, chúng tôi nhận thấy nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu đang yếu do quá trình dịch chuyển từ chi tiêu hàng hóa sang dịch vụ đang gia tăng. Đó là lý do chúng ta bắt đầu thấy PMI ngành dịch vụ tăng lên. Đã có rất nhiều kỳ vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng rõ ràng điều đó đã không thành hiện thực”.
Động lực kinh tế chậm lại
Suy thoái kinh tế được định nghĩa là sự suy giảm kinh tế trên diện rộng, bao gồm sự suy yếu trong hoạt động tiêu dùng. Trong đó, hàng hóa không thiết yếu là danh mục điều tiên bị người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, vì vậy các dấu hiệu suy yếu kinh tế rộng lớn hơn sẽ không phải là tín hiệu tốt cho các nhà sản xuất.
Các nhà kinh tế tại Fed đã tái khẳng định dự báo của họ về một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ vào cuối năm nay, mặc dù thị trường lao động của nước này vẫn ổn định. Dữ liệu được sửa đổi trong tuần này cho thấy khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia đã rơi vào suy thoái vào đầu năm. Tổng sản phẩm quốc nội của khối đã giảm 0,1% trong quý đầu tiên so với 3 tháng trước đó, sau khi giảm 0,1% trong quý IV.
Lãi suất tăng và lạm phát cao đè nặng lên người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả 2 khu vực, mặc dù việc tăng giá đã giảm bớt trong vài tháng qua.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 2,2% trong quý đầu tiên so với 3 tháng trước, chủ yếu là do nước này mở cửa trở lại khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu đi ăn ngoài và du lịch trở lại. So với cùng kỳ năm trước, GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh 4,5% trong 3 tháng đầu năm.
Trong khi đó nhiều nhà sản xuất lớn, như Foxconn hay 3M, đã trở nên thận trọng hơn khi nói về triển vọng kinh doanh hoặc quy mô hoạt động cho thời gian tới.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia được công bố trong tuần này cho thấy 67% các nhà sản xuất Mỹ được khảo sát lạc quan về tương lai của công ty họ, tỉ lệ thấp nhất kể từ quý III/2020. Việc giữ chân người lao động có tay nghề, nền kinh tế nội địa suy yếu và môi trường kinh doanh không thuận lợi được liệt kê là những thách thức lớn nhất của nhóm doanh nghiệp này.
Hải Miên (Nguồn CNN)