Nỗ lực bảo tồn khu rừng trắc quý

Bảo vệ cây là bảo vệ nguồn gien, khu rừng gỗ trắc lớn nhất này sẽ là nguồn gien quý để nhân giống mở rộng rừng trắc hiện tại và sau này.

Ngoài nhiều loài động, thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam như cẩm lai, giáng hương, gà lôi, gấu chó…, rừng đặc dụng Đăk Uy, rộng hơn 500 ha, nằm cách trung tâm tỉnh Kon Tum chừng 20 km về phía Bắc, có hơn 1.000 cây trắc tự nhiên cổ thụ và 2.500 cây trắc được trồng mới. Quần thể gỗ trắc lớn này được đánh giá là khu rừng trắc quý nhất Việt Nam.

Canh cây sống, trông cây chết

Gỗ trắc là loài gỗ quý hiếm, thuộc nhóm IIA. Đây là loài gỗ có chất lượng cao, vân đẹp, thớ mịn nên rất giá trị, luôn khan hiếm trên thị trường. Cánh rừng đặc dụng Đăk Uy có hàng ngàn cây gỗ trắc lớn lại nằm ngay trung tâm huyện Đăk Hà, sát khu dân cư nên càng dễ trở thành miếng mồi ngon của lâm tặc.

Để bảo vệ và phát triển nguồn gien cây trắc quý, từ năm 2016, UBND tỉnh Kon Tum đã duyệt chi 27 tỉ đồng để xây dựng tường rào hơn 5 km, bao quanh khu rừng, cùng 6 trạm dừng nghỉ và 2 chòi canh lửa. Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy cũng xây dựng nhà quản lý, trạm gác, lán trại, hàng rào bảo vệ và 16 km đường băng cản lửa. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng ở các công ty lâm nghiệp cũng đã được tăng cường cho công việc bảo vệ rừng Đăk Uy.

Rừng đặc dụng Đăk Uy với quần thể gỗ trắc quý

Ông Nguyễn Đức Hà, một trong những nhân viên bảo vệ thâm niên nhất tại đây, cho biết khu rừng đã có tường rào bao quanh nên không sợ việc lấn chiếm mà chỉ sợ bị cưa gỗ. Do khu rừng quá gần dân cư nên có tình trạng người dân vào tìm cách cưa trộm gỗ.

Theo ông Hà, ban đầu nơi đây làm 8 lán trại để nhân viên bảo vệ ở, chia nhau canh giữ cánh rừng cho thuận tiện. Tuy vậy, lợi dụng lúc nhân viên bảo vệ về ăn cơm, lâm tặc đã cưa một cây gỗ trắc ở gần bìa rừng và bị phát hiện. Từ đó ban quản lý đã phải làm thêm 6 lán trại, mỗi lán cách nhau từ 70-100 m để bảo vệ ăn, ngủ ngay tại lán, thuận tiện cho việc giữ rừng.

“Cánh rừng chỉ hơn 500 ha nhưng có đến 40 người thường xuyên canh giữ cả ngày lẫn đêm. Nhất là vào mùa mưa trời rất tối, mưa liên tục nên lâm tặc càng manh động hơn. Khi đó, cứ chừng 20 phút là anh em phải đi tuần một lần” – ông Hà nói.

Để chống cắt trộm, các cây gỗ trắc lớn trong khu rừng này đều được quấn quanh bằng dây kẽm gai, tôn. Các nhân viên còn thắp điện, lấy đĩa DVD, gương soi gắn vào thân cây để mỗi buổi tối, khi chiếu đèn pin vào có ánh sáng phản chiếu là biết cây vẫn còn đứng, chưa bị lâm tặc xâm hại.

Theo quy định, không được tác động, làm thay đổi cảnh quan, môi trường rừng đặc dụng. Do đó, tại rừng đặc dụng Đăk Uy, có 161 cây gỗ trắc tuy đã chết khô cũng đang được bảo vệ.

Trong số này, cây trắc to lớn nhất thường được gọi tên là “cây 3 chạc”, đường kính gốc chừng 70 cm, dài hàng chục mét đã chết khô, đổ ngã từ năm 2017. Theo ông Lê Ngọc Bảo, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, thời kỳ giá tốt, chỉ mình cây gỗ trắc này đã có giá vài tỉ đồng nên luôn nằm trong sự nhòm ngó của lâm tặc. Để canh giữ gỗ, các cán bộ đã dựng lán trại để ăn ngủ tại chỗ.

Chịu nhiều khó khăn, nguy hiểm

Theo các nhân viên bảo vệ rừng ở đây, làm công việc bảo vệ rừng đã vất vả nhưng làm bảo vệ tại rừng đặc dụng Đăk Uy còn vất vả khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi nguy hiểm không chỉ đến từ lâm tặc mà còn các loại rắn có độc, bọ chét và thời gian nghỉ ngơi rất ít.

Nhiều nhất là loài rắn hổ. Đây là loại rắn có độc, thích nơi ấm áp nên hay tìm tới nơi có người ở, có ánh điện. Đặc biệt là những lúc trời đang nắng mà mưa đổ xuống, chỉ cần ít phút sau là rắn hổ bò ra đầy đường tuần tra, nằm phơi nắng. “Đang đêm mà rắn hổ bò vào giường, chui vào giày là chuyện quá thường xuyên. Để tránh bị rắn cắn chúng tôi chỉ có cách là khi đi ngủ phải chèn màn thật kỹ, đi tuần tra phải mang ủng cao” – ông Lê Hoàng Cường, một nhân viên bảo vệ tại đây, cho biết.

Ngoài canh cây sống, cán bộ bảo vệ rừng còn dựng lán trại ngay tại chỗ để canh cây gỗ trắc đã chết khô

Còn ông Lê Văn Luận (52 tuổi), đã có hàng chục năm làm nhân viên quản lý bảo vệ rừng ở các đơn vị, khi về nhận nhiệm vụ tại rừng đặc dụng Đăk Uy đã khiếp sợ vì bọ chét. Theo ông Luận, cứ vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa là bọ chét lại xuất hiện. Bọ chét từ dưới đất chui lên, từ những cây đót khô chui ra bò khắp thân thể người để cắn, tìm đủ cách diệt cũng không hết. Cứ thế kéo dài chừng 2 tháng thì tự hết.

“Rắn thì còn có thể phòng tránh được. Còn loài bọ chét thì chịu, phun thuốc chúng không chết, chỉ thoa dầu gió cũng không xua đuổi được” – ông Luận nói.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, trước đây còn có tình trạng lâm tặc chống trả, tấn công nhân viên bảo vệ nhưng hiện nay đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên điều làm những cán bộ nơi đây trăn trở nhất là phải canh gác cả ngày lẫn đêm. Nhân viên bảo vệ thậm chí không có thời gian để về thăm nhà. Kể cả ngày lễ, tết. Trong khi đó, tiền lương rất thấp, trung bình mỗi người chỉ chừng 5 triệu đồng/tháng.

“Có anh nhà ngay gần đây, nhưng mỗi tháng cũng chỉ ngủ được ở nhà 4 tối. Còn như tôi vợ con ở xa, 2-3 tháng mới được về nhà một lần. Anh em cũng phải chia nhau nghỉ, tuần này trực thì tuần sau mới được về. Đi đâu cũng sợ lâm tặc cưa trộm cây” – ông Hà trăn trở.

Những “chiến binh” giữ rừng

Ngoài lực lượng nhân viên bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy còn có đội “chiến binh” hơn 30 chú chó. Những chú chó này được cán bộ bảo vệ rừng nuôi ở các trạm bảo vệ, lán trại. Hằng ngày, các chú chó bầu bạn với nhân viên bảo vệ rừng. Khi đi tuần tra, những chú chó tại đây đã giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện người lạ vào rừng. Hoặc phát hiện rắn rết, thú rừng thì sủa cảnh báo.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Nguồn: