Đa dạng sinh học của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó Việt Nam được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao nhất, đang phải đối mặt với áp lực to lớn từ phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số của con người, dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với tác động của khí hậu thay đổi.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về việc phát hiện hàng trăm loài mới và yêu cầu cấp bách bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo tồn loài mới ở Việt Nam – Bài 1: Ngăn chặn đà tuyệt chủng
Là thành viên nghiên cứu, tham gia thực hiện báo cáo mới đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về công bố các loài mới thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, ông có thể cho biết những đánh giá của mình về việc phát hiện 158 loài mới tại Việt Nam trong hai năm 2021 – 2022 ?
Trong số 380 loài thực vật có mạch và động vật có xương sống mới được công bố, Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất với 158 loài so với các nước thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam). Điều này một lần nữa khẳng định tính đa dạng hàng đầu thế giới của nước ta từ lâu đã được các nhà khoa học công nhận.
Những khám phá mới và nổi bật này cho thấy những nỗ lực to lớn cũng như hiệu quả hợp tác giữa các nhà khoa học từ khu vực và các nơi khác trên thế giới, cả trong thực địa, trong phòng thí nghiệm tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Những sự hợp tác này đôi khi kéo dài nhiều thế hệ, với các mẫu được thu thập bởi các nhà tự nhiên học từ nhiều thập kỷ trước, được phân tích bởi các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực thực vật học, động vật học tại các vườn, bảo tàng lịch sử tự nhiên và xã hội… Ví dụ, một trong những loài nổi bật trong báo cáo này là một loại cây được thu thập vào những năm 1930 và chỉ mới được xác nhận bởi một nhóm các nhà nghiên cứu mới.
Một loài mới được xác định như thế nào, thưa ông?
Về nguyên tắc, một loài mới phải khác tất cả các loài cũ trong các giống đó về đặc điểm hình thái như sự khác biệt về số lượng các vảy, sự sắp xếp vảy, màu sắc, kích cỡ, phân tích sinh học phân tử ADN về mặt di truyền. Khi công bố loài mới phải được các chuyên gia phản biện chuyên ngành đồng ý.
Để tìm kiếm các loài động, thực vật mới, các nhà khoa học thường tìm đến nơi xa xôi hẻo lánh, ít được nghiên cứu đến như các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên… là nơi rừng tự nhiên còn tốt, có nhiều loài sinh vật sống ở đó. Nếu may mắn gặp được loài mới, chúng tôi thường xác định trước hết bằng ngoại hình, sau đó thu mẫu về và phân tích.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi đối với các nhà nghiên cứu về sinh vật trong quá trình tìm kiếm các loài mới ở nước ta?
Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học từ nhiều nguồn khác nhau, từ các chương trình điều tra cơ bản, từ các quỹ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng có các đề tài hàng năm từ đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở đến cấp viện. Bên cạnh đó, kinh phí để chúng tôi nghiên cứu, khảo sát còn đến từ nguồn hợp tác quốc tế thông qua chương trình khảo sát cùng nhau với các tổ chức quốc tế. Nhìn chung, phần kinh phí để thực hiện các nghiên cứu vẫn từ nội lực của Việt Nam là chính. Tuy nhiên trong các chương trình hợp tác quốc tế, các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm và trang bị máy móc tốt sẽ hỗ trợ nhiều cho nghiên cứu.
Việc khám phá các loài mới giúp điền vào lỗ hổng kiến thức về những gì tồn tại trong thế giới tự nhiên. Song song với những ngạc nhiên và mừng rỡ khi phát hiện ra một loài mới, chúng tôi cũng luôn lo lắng rằng vẫn còn vô số loài chưa được tìm thấy, sợ rằng mình không kịp tìm thấy và bảo tồn chúng trước khi chúng tuyệt chủng, biến mất hoàn toàn trên thế giới này. Có nhiều sinh vật đã biến mất thậm chí trước khi chúng tôi đặt tên cho chúng. Điều này là một động lực cho các nhà khoa học như tôi tiếp tục tiến hành công việc nghiên cứu đa dạng sinh học của mình. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các bên, từ các nhà bảo tồn, chính phủ đến người dân, cần có hành động khẩn cấp để đảm bảo các loài này và môi trường sống của chúng tồn tại trong tương lai.
Điều gì đang đe dọa các sinh vật mới được biết đến này, thưa ông?
Người dân địa phương thường bắt rắn, thằn lằn và ếch về làm thực phẩm tại chỗ, trong số đó có nhiều loài mới đang bên bờ tuyệt chủng. Ví dụ năm 2022, khi chúng tôi nghiên cứu, mô tả loài ếch sần ở vùng núi cao Ngọc Linh của tỉnh Kom Tum, thì thấy tình trạng người dân bắt về làm thực phẩm do loài này cỡ to, thịt thơm ngon. Ngay sau khi chúng tôi mô tả loài mới, loài này được các nhà khoa học quốc tế đánh giá nguy cơ tuyệt chủng ở mức gần bị đe dọa.
Ngoài ra, các loài mới còn đối mặt với tình trạng bị săn bắt, mua bán để làm cảnh. Có nhiều loài mới được mô tả sau đó không tìm thấy được ở đâu nữa. Ví dụ có một loài thạch sùng Mỹ được mô tả ở Trung Quốc sau này cũng tìm thấy được cả ở Việt Nam, nhưng sau đó loài này bị buôn bán rất mạnh trên thị trường châu Âu, Mỹ để làm cảnh. Chúng tôi có quay lại các địa điểm trước đây thu mẫu của loài này như ở Cao Bằng nhưng không tìm thấy loài đó nữa, cũng có thể loài đó bị buôn bán quá mức, mất sinh cảnh sống nên gần như nó bị tuyệt chủng, đây là một vấn đề đáng lo ngại.
Đề ngăn chặn tình trạng nhiều loài sinh vật chưa được biết đến đã tuyệt chủng, chúng ta cần làm gì, thưa ông?
Đa dạng sinh học của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đang phải đối mặt với áp lực to lớn từ phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số loài người dẫn đến nạn phá rừng, ô nhiễm và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với tác động của khí hậu thay đổi.
Để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học nhanh chóng trong vùng, bảo tồn các biện pháp cho hệ sinh thái và động vật hoang dã loài cần được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Những phát hiện mới này cũng là bằng chứng quan trọng để tất cả chúng ta cần khẩn trương đầu tư thời gian và nguồn lực, bằng những cách tốt nhất để bảo tồn những loài đã biết và chưa biết.
Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều hành động, đặc biệt Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định rất nhiều hành động cụ thể để bảo vệ sinh cảnh, bảo vệ các loài quý hiếm, tuyên truyền, đưa ra khuyến cáo người dân cần bảo vệ sinh cảnh sống, tránh đánh bắt các loài sinh vật hoang dã theo kiểu tận diệt để phục hồi quần thể của nó. Ví dụ trước đây nhóm nghiên cứu của Mỹ và Việt Nam phát hiện một loài thằn lằn mới ở Cà Mau rất đẹp.
Năm 2010 loài này được các nhà khoa học mô tả là loài mới thì đến năm 2014 loài thằn lằn đó đã xuất hiện trên thị trường châu Âu với giá bán khoảng 70 triệu đồng một cặp. Ngay sau đó phía Việt Nam đã đưa loài này vào Danh lục Đỏ thế giới và đưa vào các văn bản pháp luật như Nghị định của chính phủ, Phụ lục của công ước… để bảo vệ và chống buôn bán loài này. Đó cũng là một trong các biện pháp kịp thời để bảo vệ các loài. Ngoài ra có các dự án tuyên truyền để bảo vệ sinh cảnh cũng như phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã giúp bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!