Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra một số vụ việc khai thác rừng phòng hộ trái phép, có tính chất nghiệm trọng, dấu hiệu tội phạm hình sự. Điều này đặt ra yêu cầu siết chặt hơn nữa việc quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và xử lý nghiêm minh vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo tính răn đe.
Nhiều vụ vi phạm lâm luật
Như Báo Thái Nguyên mới đưa tin, trên địa bàn xóm Khe Cạn, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), vừa xảy ra vụ việc chặt hạ một số cây gỗ trong khu vực rừng phòng hộ, thuộc thẩm quyền UBND xã quản lý; khối lượng thu giữ là hơn 3,5m3. Khi bị phát hiện, phần lớn gỗ trên đã được vận chuyển, tập kết tại khu vực gần nhà một hộ dân trong xóm, cách hiện trường hơn 1km.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản sự việc, báo cáo và đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ phối hợp điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm.
Trước đó, tại xóm Cốc Lùng, xã Phú Đô (Phú Lương), cũng xảy ra việc chặt hạ trái phép khoảng 0,5ha rừng tự nhiên, với hơn 100 cây gỗ thuộc nhóm V đến nhóm VIII. Đáng chú ý, chính chủ rừng được cơ quan chức năng giao bảo vệ là ông Hoàng Văn Vượng đã thuê nhân công chặt hạ trong nhiều ngày. Người này có xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất và đơn xin khai thác gỗ có chứng nhận của trưởng xóm.
Tuy vậy, việc xác nhận này không có giá trị về pháp lý. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Vượng số tiền 42,5 triệu đồng và tịch thu tang vật là gần 4,4m3 gỗ.
Tại địa bàn vùng cao Võ Nhai, các vụ việc chặt phá rừng thời gian gần dây có diễn biến phức tạp. Thống kê từ đầu năm 2023 tới nay, trên địa bàn xảy ra 9 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng (trong đó 3 vụ có dấu hiệu tội phạm), khối lượng thiệt hại lâm sản nhiều.
Điển hình là vụ chặt phá rừng tự nhiên tại xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc ngày 16-1 với diện tích 2,43ha; lâm sản bị chặt, phá nằm tại hiện trường có tổng khối lượng 115,946m3; vụ khai thác trái phép 21 cây gỗ tạp (khối lượng đo đếm tại hiện trường là 22,482m3 gỗ tròn và 3,594m3 gỗ xẻ) tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường ngày 22-2; vụ khai thác trái phép 1 cây gỗ sến với khối lượng 16,744m3 (khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc xóm Cao Sơn, xã Vũ Chấn) ngày 27-3; việc phá rừng tự nhiên tại xã Phú Thượng bị phát hiện ngày 2-3 với 3,951ha rừng tái sinh tự nhiên, quy hoạch rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh quản lý và 2,835ha rừng tái sinh tự nhiên do UBND xã Phú Thượng quản lý…
Bảo vệ rừng tận gốc
Trở lại với vụ vi phạm tại địa bàn xã Phú Đô ở trên, vị trí khai thác rừng nằm cách đường giao thông liên xã không xa; đối tượng dùng cưa máy chặt hạ cây trong nhiều ngày. Hay tại xã Cây Thị, dù hiện trường khai thác có xa nhưng các đối tượng đã vận chuyển gỗ về tập kết ở gần khu dân cư nhưng chậm bị phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng.
Điều đó cho thấy trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng ở cấp cơ sở chưa tốt. Dư luận còn nghi ngờ về việc cán bộ cơ sở, kiểm lâm viên làm ngơ. Cá biệt là có trường hợp trưởng xóm xác nhận vào đơn xin khai thác rừng của người dân khi chưa biết rõ đó là loại rừng gì.
Theo phân tích của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, một trong những nguyên nhân khiến vi phạm lâm luật còn diễn biến phức tạp là do địa bàn rộng; người dân ở các khu vực có rừng phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn nên khai thác, phát phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, khai thác gỗ rừng làm nhà.
Về chủ quan, một số địa phương chưa quyết liệt thực hiện biện pháp bảo vệ rừng dẫn đến tình trạng khai thác, phát phá rừng nhưng không ngăn chặn kịp thời và việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến lâm sản ở gần cửa rừng chưa thật sự nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Cùng với đó là biên chế đối với cán bộ kiểm lâm còn thiếu, một số cán bộ phụ trách địa bàn chưa kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ rừng; chưa thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng nên để xảy ra phá rừng nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.
Có một thực tế là chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ về lâm nghiệp ở cơ sở còn thấp nên chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm. Cụ thể, mỗi xóm, bản có rừng đều thành lập các tổ bảo vệ – phòng chống cháy rừng với 6-8 thành viên. Trong đó chỉ tổ trưởng được hưởng hỗ trợ với mức 70 nghìn đồng/tháng. Chức danh phó ban lâm nghiệp xã, thị trấn hưởng mức hỗ trợ là 350-500 nghìn đồng/tháng (tùy theo diện tích đất lâm nghiệp).
Anh Bàn Văn Sơn, Phó Ban Lâm nghiệp xã Cây Thị (Đồng Hỷ), nói: Tôi đang được hỗ trợ 450 nghìn đồng/tháng. Với mức như vậy thì bản thân khó có thể đi tuần, kiểm tra rừng thường xuyên bởi còn phải làm công việc khác để lo cho cuộc sống gia đình.
Nói về giải pháp siết chặt quản lý và bảo vệ rừng, ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhấn mạnh: Đối với các sai phạm, chúng tôi sẽ tham mưu để xử lý nghiêm theo quy định, nhất là trường hợp phá rừng tự nhiên trái pháp luật. Phối hợp với UBND xã, thị trấn có rừng và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Những địa bàn trọng điểm, phức tạp thì tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các tổ đội quần chúng tăng cường tuần tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm về rừng tự nhiên, rừng trồng dễ xảy ra phá rừng; xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở để kịp thời nắm tình hình. Đồng thời chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kiểm lâm; làm rõ trách nhiệm, xem xét kỷ luật với trường hợp vi phạm.
Theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hạch tỉnh Thái nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích rừng đến năm 2030 của tỉnh là 172.000ha, trong đó: 35.652ha rừng đặc dụng; 37.028ha rừng phòng hộ và 99.320ha rừng sản xuất.
Tính từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 39 vụ vi phạm lâm luật, địa bàn xảy ra vi phạm nhiều và nghiêm trọng nhất là Võ Nhai.