Nghiên cứu mới do Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (Wildlife Conservation Society – WCS) tiến hành đã xác định khu vực có các chuồng dựng lên làm nơi trú ngụ cho dơi và các điểm thu nhặt phân dơi ở rất gần với các trang trại chăn nuôi lợn là điểm nóng có nguy cơ làm lây truyền virus ở Việt Nam.
Vòng tròn tương tác giữa người – lợn – dơi
Bên trong một hang động tại xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), các nhà khoa học đang tiến hành thu thập mẫu phân dơi. Cùng lúc đó, một nhóm các đồng nghiệp của họ cũng đang lặn lội thu thập mẫu tại các trại lợn trên nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.
Đây là một phần trong nghiên cứu tìm kiếm các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây ra đại dịch do Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (Wildlife Conservation Society – WCS) phối hợp với các đơn vị như Cục Thú y và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành. Những virus từ các loài động vật này có thể ảnh hưởng đến con người như thế nào? Vì sao họ lại quan tâm đến dơi và lợn?
Để hình dung về mức độ nguy hiểm của các căn bệnh truyền từ động vật sang người, chúng ta chỉ cần nhớ đến một trường hợp điển hình: COVID-19. Một khi đã vượt được qua hàng rào loài, những con virus như SARS-CoV-2 đủ khả năng trở thành những mầm bệnh nguy hiểm và cướp đi rất nhiều sinh mạng, đủ sức khiến cả thế giới điêu đứng trong nhiều năm.
Lựa chọn nghiên cứu lợn, dơi trong dự án này xuất phát từ những trường hợp lây truyền đã xảy ra trong lịch sử. Năm 1997, virus Menangle (MenPV) xuất hiện ở các trại nuôi lợn ở Úc, gây rối loạn sinh sản ở lợn. MenPV sau đó đã được phân lập từ các mẫu nước tiểu của loài dơi quạ đen Pteropus alecto, cho thấy nguồn gốc từ dơi của loại virus này. Một năm sau, vào năm 1998, virus Nipah (NiV) truyền từ dơi ăn quả (cáo bay) sang lợn ở Malaysia, gây bệnh đường hô hấp cho lợn. Hơn 800.000 con lợn đã bị tiêu hủy vào năm 1999 trước khi dịch bệnh kết thúc. Trong cả hai trường hợp NiV và MenPV, những con lợn bị nhiễm bệnh sau đó đã lây nhiễm cho những người làm công trong các trại lợn, dẫn đến ít nhất 105 người tử vong vì nhiễm NiV.
Gần đây hơn, vào năm 2016, hội chứng tiêu chảy cấp ở lợn do coronavirus (SADS-CoV) xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, gây ra dịch bệnh chết lợn và tỷ lệ tử vong ở lợn con cao. Dữ liệu giám sát dơi từ Trung Quốc cho thấy SADS-CoV có liên quan rất chặt chẽ với HKU2-CoV, một loại CoV xuất hiện nhiều ở dơi móng ngựa trong cùng khu vực. Ngoài ra, lợn cũng là vật chủ trung gian của virus cúm và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa và đa dạng hóa virus cúm A có nguồn gốc từ người và gia cầm ở châu Á.
Mức độ chồng chéo trong tương tác giữa người – lợn – dơi đã nảy sinh ra con đường lây truyền đầy phức tạp, cho chúng ta thấy sự nguy hiểm thường trực của những căn bệnh có nguồn gốc từ động vật, dù là động vật hoang dã hay gia cầm, vật nuôi. “Nghiên cứu này cho thấy những nguy cơ của hoạt động thu nhặt phân dơi tới sức khỏe cộng đồng, và nguy cơ lây lan virus từ động vật hoang dã sang động vật nuôi thông thường và cuối cùng là sang con người”, bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia WCS Việt Nam, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. ”Việc tiến hành giám sát và phát hiện sớm các điểm nóng lây truyền virus là chìa khóa để ngăn chặn các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai”.
Vì lý do đó, nhóm nghiên cứu đã quyết định sàng lọc các mẫu sinh học từ dơi, lợn và người đối với năm họ virus có khả năng lan truyền, bao gồm coronavirus, paramyxovirus, virus cúm, filovirus và flavivirus. Flavivirus và filovirus được tích hợp vào nghiên cứu “vì các họ virus này chứa các loại virus lây truyền từ động vật sang người có tác động mạnh, chẳng hạn như virus Zika và Ebola, và mức độ phổ biến cũng như hệ sinh thái của chúng ở châu Á vẫn chưa được hiểu rõ”, nhóm nghiên cứu lý giải.
Để thu thập mẫu, WCS đã phối hợp với các đơn vị đối tác tương ứng ở địa phương/cấp tỉnh của Cục Thú y và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhằm triển khai hoạt động tại thực địa. “Với mục tiêu thực hiện giám sát đồng thời ở trên người và động vật, trong trường hợp không thể thực hiện khảo sát ở trên người và động vật tại cùng một thời điểm và cùng một vị trí, nhóm nghiên cứu và các đối tác cố gắng lựa chọn thời gian và không gian đảm bảo ‘gần nhất’ có thể”, nhóm nghiên cứu chia sẻ về khó khăn mà họ gặp phải.
Tổng cộng có 485 mẫu lợn (mũi và gạc miệng), 891 mẫu dơi (mẫu phân và nước tiểu, gạc miệng và trực tràng) và 60 mẫu người (máu và gạc miệng) đã được thu thập.
Điểm nóng dịch bệnh
Việc thu thập mẫu ở trại lợn không quá khó, bởi hoạt động nuôi lớn rất phổ biến tại Việt Nam. Từ năm 2015-2018, các nhà khoa học đã thu thập mẫu dịch lợn ở tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ninh ở các trại hầu hết có quy mô từ 100 đến 320 con. “Tuy nhiên, việc lấy mẫu trên dơi nói riêng – hay động vật hoang dã nói chung – không phải lúc nào cũng có thể thực hiện theo đúng kế hoạch. Nhóm nghiên cứu cần nghiên cứu, lựa chọn thời điểm thích hợp, ví dụ nếu đến vào thời điểm không có dơi hoặc có rất ít dơi thì khả năng lấy được mẫu là rất thấp”, nhóm lý giải.
Các nhà khoa học đã thu thập mẫu dơi từ 21 địa điểm có sự tiếp xúc giữa dơi và người – bao gồm các hang động nơi người dân thu nhặt phân dơi và trại nuôi dơi để lấy phân. Chẳng hạn, tại Tân Lập, đàn dơi đến trú ngụ tại hang dơi bắt đầu từ tháng ba đến tháng chín, từ tháng mười trở đi thì chúng lại bắt đầu di cư đến một nơi khác, vì vậy nhóm nghiên cứu phải cân nhắc để thu thập mẫu đúng thời điểm mức độ hiện diện của dơi ở mức cao. Tổng cộng, 1035 mẫu phân, 55 mẫu nước tiểu, 19 mẫu gạc miệng và 22 mẫu gạc trực tràng của dơi đã được thu thập ở ba tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Lạng Sơn.
Các mẫu sinh phẩm sau khi thu thập được gửi về các phòng thí nghiệm trực thuộc Cục Thú y, mẫu người và một phần mẫu động vật được gửi tới phòng thí nghiệm thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để tiến hành xét nghiệm sàng lọc với các tác nhân gây bệnh ưu tiên của dự án. Một số xét nghiệm chuyên sâu được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đối tác của dự án tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, WCS phối hợp với Cục Thú y và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) để chọn và tiến hành xét nghiệm một số mẫu thu thập trên các đàn lợn nuôi nhà để xác định sự lây truyền virus giữa người – động vật nuôi thông thường – động vật hoang dã.
Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy coronavirus tồn tại trên dơi tại các khu vực có sự tiếp xúc giữa người và động vật. Virus này có mối liên hệ mật thiết về mặt di truyền với nguồn gốc của mầm bệnh gây bệnh trên lợn, có khả năng đã có sự lây truyền virus giữa các trang trại chăn nuôi lợn. Như vậy, các điểm trú ngụ tự nhiên của dơi, khu vực chuồng nhân tạo để nuôi dơi lấy phân và các trang trại chăn nuôi lợn ở khoảng cách gần nhau, cộng hưởng với sự đa dạng của các chủng coronavirus đang lưu hành cho thấy nguy cơ lây lan coronavirus giữa dơi, lợn và người ở mức cao.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác mức độ và khả năng lây lan dịch bệnh giữa các loài động vật bởi chưa đánh giá được đầy đủ các đặc tính và khả năng “vượt rào” của các loại virus này trong việc lây truyền giữa các loài khác nhau.
Các mẫu sinh phẩm thu thập trên người cũng được xét nghiệm để tìm kháng thể với các loại virus. Vì số lượng mẫu nhỏ nên các xét nghiệm chưa phát hiện được bất cứ virus nào từ dơi đang lưu hành trong cộng đồng người dân sống gần hang dơi và nơi thu nhặt phân dơi. Song khi tiến hành một số các xét nghiệm chuyên sâu khác, những kết quả xét nghiệm mà nhóm nghiên cứu thu được chỉ ra rằng trước đây, một số người dân sống tại khu vực nghiên cứu có thể đã từng bị phơi nhiễm hay tiếp xúc với những virus giống như virus Marburg, virus sốt xuất huyết Crimean-Congo…
“Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu chúng tôi không thể khẳng định hay chỉ ra chính xác những người dân bị nhiễm virus ở đâu, vào thời gian nào và bị nhiễm từ loài động vật nào lây truyền sang”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Nguy cơ từ nghề thu nhặt phân dơi
Một trong những điểm thú vị của nghiên cứu, đó là các nhà khoa học đã đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ tương tác giữa người và dơi trong một công việc thoạt nghe khá lạ lùng: thu nhặt phân dơi.
Người dân ở Đông Nam Á thu nhặt phân dơi làm phân bón tự nhiên cho cây trồng. Thông thường, họ vào hang động, thu gom phân dơi trên trần hang bằng tay không và thường xuyên đi qua đống phân dơi với đôi chân trần. Phân dơi được xem là nguồn phân bón chất lượng bởi chứa hàm lượng phốt pho, đạm cao rất tốt cho cây trồng. Hằng ngày, người dân sẽ đến hang thu gom để bán lại cho người chuyên thu mua ngay tại hang.
Không chỉ nhặt phân dơi tự nhiên, tại Việt Nam và Campuchia, phân dơi còn được thu thập dưới các chuồng dơi nhân tạo có đế bê tông và các cột phủ lá dứa. Những chuồng nhân tạo này thường nằm gần nơi ở của con người, nơi chăn nuôi gia súc và cây trồng.
Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học khuyến cáo, nếu không thể dừng công việc thu nhặt phân dơi làm phân bón, những người tham gia thu thập phân dơi cần sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) đầy đủ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần thực hiện đánh giá tác động của việc thu nhặt phân dơi đối với công tác bảo tồn dơi cũng như nguy cơ đánh mất vai trò quan trọng của loài dơi đối với hệ sinh thái.
Kết quả của nghiên cứu đã được các nhà khoa học chia sẻ trên tạp chí Viruses thông qua bài báo với tiêu đề One Health Surveillance Highlights Circulation of Viruses with Zoonotic Potential in Bats, Pigs, and Humans in Viet Nam. Nghiên cứu là một phần trong dự án PREDICT thuộc Chương trình Các mối Đe dọa Đại dịch Mới nổi (EPT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm nâng cao năng lực toàn cầu trong việc phát hiện và tìm ra các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây ra đại dịch tại 32 quốc gia ở châu Phi và châu Á.
Đây được xem là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm triển khai giám sát Một Sức khỏe tại Việt Nam – quốc gia nằm trong khu vực được coi là một trong những điểm nóng toàn cầu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Những thông tin được rút ra từ nghiên cứu này sẽ đóng góp vào một bức tranh rộng lớn hơn với sự tham gia của nhiều quốc gia trên khắp thế giới, từ đó tìm kiếm biện pháp can thiệp hiệu quả để ngăn chặn sự xuất hiện của virus mới cũng như chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với các virus có khả năng bùng phát gây đại dịch trong tương lai.