Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, giáo sư Walid Ammar – Chủ tịch Ủy ban Thẩm định ứng phó khẩn cấp của WHO, cho biết sự thiếu hụt về nguồn quỹ và nhân lực đã khiến thế giới phải đối mặt với nhiều tình trạng khẩn cấp hơn trước; trong đó có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm.
Dẫn lời giáo sư Ammar, Reuters cho biết hiện WHO đã phải ứng phó 53 tình trạng khẩn cấp ở mức độ cao. Trong số này có những căn bệnh như dịch tả (ở Malawi), đợt bùng dịch Marburg ở Guinea Xích Đạo và Tanzania… Trong đó, rất nguy hiểm là cúm gia cầm ở Brazil. Ông Ammar cũng cho rằng biến đổi khí hậu gia tăng với các hình thái cực đoan, đã kéo theo hậu quả y tế.
Ngày 29/5, cơ quan y tế Brazil chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp cúm gia cầm. Tuyên bố được đưa ra sau khi nhiều con chim hoang dã được xác nhận dương tính với cúm gia cầm A/H5N1. Đại diện cơ quan y tế Brazil cũng bày tỏ lo ngại căn bệnh nguy hiểm này lây sang người nếu không có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Để ứng phó, Brazil đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe động vật trong 180 ngày. Brazil hiện là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới với doanh thu 9,7 tỷ USD vào năm ngoái. Vì thế việc phát hiện các trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 ở chim hoang dã tại bang Espirito Santo và bang Rio de Janeiro đã khiến giới y tế và chăn nuôi Brazil rúng động.
Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết, họ đã thành lập một trung tâm hoạt động khẩn cấp để điều phối, lập kế hoạch và đánh giá các hành động cần thiết liên quan đến phòng dịch. Cuối tuần qua, Bộ Y tế Brazil đã tiến hành xét nghiệm 33 trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm ở người tại Espirito Santo, nơi ghi nhận các trường hợp đầu tiên ở chim hoang dã. Kết quả đều âm tính.
Cúm gia cầm khởi nguồn từ động vật hoang dã lây sang cho vật nuôi. Trên thực tế, cúm gia cầm từng giết chết hàng trăm triệu gia cầm khi dịch bùng phát.
Người đứng đầu Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) Monique Eloit khuyến cáo, những dấu hiệu cho thấy có thể bùng phát một đợt cúm gia cầm cần phải được ghi nhận, vì nó có thể sẽ mang tới nhiều thiệt hại về vật nuôi, kinh tế, cũng như sức khỏe con người. “Chúng ta đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, và mọi quốc gia đều đã phải trả giá đắt thế nào. Vì thế cần phải gấp rút hành động vì đại dịch sẽ là có thật nếu như đàn gia cầm không được bảo vệ chặt chẽ” – bà Monique Eloit nói.
Trong một cuộc họp kéo dài 5 ngày, WOAH đã kêu gọi các quốc gia tập trung vào việc kiểm soát toàn cầu đối với cúm gia cầm độc lực cao. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng nguy cơ đối với con người do cúm gia cầm là thấp, nhưng các quốc gia vẫn phải chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi nào (các biến thể virus).
Đứng trước những cảnh báo nguy hiểm, các quan chức y tế châu Âu và Mỹ kêu gọi khẩn trương hành động để chấm dứt sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Số liệu được đưa ra là virus H5N1 đã giết chết khoảng 208 triệu con chim trên khắp thế giới (kể từ khi được thống kê). Bên cạnh đó, đã có ít nhất 200 trường hợp động vật có vú mắc cúm gia cầm được ghi nhận. Những con vật này nhiễm virus do ăn thịt những con chim chết hoặc bị nhiễm bệnh. Từ đó virus có thể tiếp tục biến đổi, thậm chí “học” cách lây nhiễm sang người.
Theo WHO, đã có khoảng 830 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người trong 20 năm qua, trong đó có 457 trường hợp tử vong.
Bà Sylvie Briand – Giám đốc Phòng, chống dịch bệnh và đại dịch của WHO cho biết, số ca H5N1 ở chim chóc, gia cầm và động vật có vú đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, là tình trạng “rất đáng quan ngại”. Trong đó, H5N1 là một phân nhóm virus đáng lo ngại nhất nếu như nó lây sang người. Những dấu hiệu cơ bản của bệnh cúm A/H5N1 ở người bao gồm: sốt cao liên tục trên 38 độ C; rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc; đau ngực, tim đập nhanh; đau họng, ho thường, ho khan, ho có đờm. Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng trở nên trầm trọng, suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái… cần phải được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.
Kể từ giữa tháng 2/2023 đến nay, cúm gia cầm đã được ghi nhận ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi; làm gia tăng mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới. Sự lây lan của virus cúm gia cầm trong tự nhiên là dấu hiệu cho thấy có thể sẽ bùng phát ở các trang trại gia cầm. Người chăn nuôi phải coi căn bệnh này là một nguy cơ nghiêm trọng quanh năm, thay vì chỉ phòng ngừa trong mùa di cư của các loài chim hoang dã. Virus H5N1 thường gây tử vong cho gia cầm. Nhiều trường hợp toàn bộ đàn gia cầm bị tiêu hủy khi chỉ có một con dương tính. Tiêm vaccine có thể làm giảm mối đe dọa từ virus. Nói về dịch cúm gia cầm, bác sĩ thú y Bret Marsh (bang Indiana, Mỹ) nhận định: “Đó là một cuộc chiến mới”.