Theo kế hoạch tài chính hàng năm ERPA phân bổ cho Hà Tĩnh, hiện đang có một số bất cập cần tháo gỡ để việc chi trả đến tay người được thụ hưởng khả thi.
Chủ rừng kỳ vọng gì ở tín chỉ các bon? [Bài 1]: Tiềm năng đang bị bỏ ngỏ
Chi trả bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư không khả thi
Nhằm cụ thể hóa kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) quy định tại Nghi định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 6/4/2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) Hà Tĩnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch tài chính hàng năm ERPA trên địa bàn.
Theo đó, trích kinh phí quản lý và kinh phí cho các hoạt động khác tại Quỹ BV&PTR tỉnh 10%. Trích 10% tổng số tiền được điều phối, lãi tiền gửi (nếu có) để chi cho các nội dung quy định tại khoản 1, điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 4 Điều 6 Nghị định 107…
Chi trả cho các bên cung ứng gồm chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã và tổ chức không phải là chủ rừng, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư theo tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên được giao quản lý 90%.
Căn cứ vào kế hoạch chi tiết cho thấy, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được hưởng lợi chỉ chiếm diện tích hơn 18,3 nghìn ha trên địa bàn 8 huyện, thị xã. Chủ rừng là tổ chức được chi trả trên diện tích hơn 186 nghìn ha và UBND cấp xã được chi trả trên diện tích hơn 9,7 nghìn ha.
Theo thông tin từ Quỹ BV&PTR Hà Tĩnh, quá trình dự thảo kế hoạch chia sẻ lợi ích Quỹ triển khai rất kịp thời. Song căn cứ vào báo cáo và phản ánh của các chủ rừng, Quỹ nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ thì việc chi trả đến đúng đối tượng mới khả thi và phát huy hiệu quả.
Cụ thể, theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 107 thì tiền ERPA chỉ chi trả cho khoản bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c, khoản 2 điều 6 Nghị định 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ: “Hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận, nhưng tổng diện tích khoán không vượt quá tổng diện tích bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng không quá 30 ha tại thời điểm hợp đồng khoán”.
Điều này chưa phù hợp với thực tiễn tại các chủ rừng là các tổ chức được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên. Bởi, rừng được giao cho chủ rừng là tổ chức hầu hết nằm tại các khu vực khó tiếp cận, vùng sâu, là khu vực có tính chất liền vùng, liền khoảnh, không có nhân dân sống lẫn trong rừng, với diện tích lớn nên hạn mức giao 30 ha không đảm bảo cho công tác bảo vệ rừng tại gốc.
Hơn nữa, với hạn mức giao 30 ha, kinh phí bảo vệ rừng theo quy định hiện hành không đảm bảo mức thu nhập tối thiểu (tiếp cận theo mức thu nhập chuẩn nông thôn mới); không tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng.
Các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, chuyên nghiệp trong công tác bảo vệ rừng tại gốc.
“Nói tóm lại, việc chi trả cho các hoạt động trong Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Ngị định 107 đối với các chủ rừng là tổ chức, BQL rừng đặc dụng là không khả thi. Quỹ BV&PTR tỉnh đề nghị Quỹ BV&PTR Việt Nam xem xét, đề xuất bổ sung đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả nguồn ERPA”, văn bản Quỹ BV&PTR Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung này, ông Trần Trung Anh, Trưởng phòng khoa học và hợp tác đầu tư (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn) cho rằng, rừng của đơn vị nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung hầu hết không có cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi nên việc khoán cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ rừng chỉ thực hiện được ở các khu vực rừng giáp ranh. Vùng lõi phải là chủ rừng tự bảo vệ và đối tượng được chi trả tiền là các đội tượng bảo vệ rừng chuyên trách không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, do đó hạn mức khoán theo điểm c khoản 2 điều 6 Nghị định 168 là không phù hợp.
“Công tác khoán bảo vệ rừng là khoán công việc thì diện tích khoán, hạn mức khoán phải do chủ rừng và người người nhận khoán thỏa thuận, cho nên căn cứ vào tình hình và các bước nhiệm vụ cho thấy hướng dẫn tại Phụ lục I, Nghị định 107 là không phù hợp tình hình thực tế”, ông Anh nói.
Một vướng mắc khác là việc thực hiện chi trả cho các chủ rừng để thực hiện các biện pháp lâm sinh. Theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 8 Nghị định 107, Chủ rừng được chi trả thực hiện các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, qua báo cáo của các chủ rừng trên địa bàn thì nhu cầu thực hiện các biện pháp lâm sinh trên phần diện tích rừng tự nhiên đơn vị quản lý là rất ít . Do đó, việc sử dụng nguồn ERPA một cách hiệu quả trên địa bàn Hà Tĩnh nhằm đảm bảo quy định Nghị định 107 gặp rất nhiều khó khăn. Quỹ BV&PTR Hà Tĩnh đề nghị Quỹ BV&PTR Việt Nam xem xét, đề xuất bổ sung nội dung được chi trả tiền ARPA.
“Có lẽ đây là mong muốn của đại bộ phận chủ rừng từ tổ chức cho đến cá nhân, cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Như Vườn quốc gia Vũ Quang, với khoảng hơn 10 tỷ đồng dự kiến được nhận trong năm 2023, chúng tôi muốn dành một nửa kinh phí cho công tác bảo vệ rừng nhưng theo quy định lại không được chi cho hạng mục này mà chỉ được chi cho thực hiện các biện pháp lâm sinh.
Trong khi đó, diện tích bảo vệ rừng vùng lõi rất cấp bách, thiếu hụt con người, bây giờ có kinh phí cũng không thể chi cho các nội dung công việc cần thiết hơn”, ông Thái Cảnh Toàn, Phó giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang chia sẻ.
Cần chuyên gia tập huấn kỹ càng
Sự kỳ vọng, niềm phấn khởi về tiềm năng bán tín chỉ carbon của các chủ rừng trên địa bàn Hà Tĩnh là rất lớn. Song, không ít chủ rừng đang lo lắng, sau khi nhận tiền về sẽ thực hiện phân chia như thế nào để đảm bảo đúng quy định, bởi đây là nội dung rất mới và hoàn toàn chưa được tập huấn về thực hiện các quy định về tài chính.
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố nói: “Chúng tôi đang rất mơ hồ. Đề nghị Quỹ BV&PTR trung ương và tỉnh tổ chức tập huấn sâu về nội dung bán tín chỉ carbon. Đồng thời, cử chuyên gia về tài chính, kỹ thuật, lập hồ sơ, hoàn thiện chứng từ tài chính để hỗ trợ các chủ rừng thực hiện theo đúng quy định pháp luật”.
Được biết, BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố đang quản lý, bảo vệ hơn 20 nghìn ha rừng tự nhiên trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Hương Sơn với tổng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 1.000 hộ.
Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ bao gồm 6,1 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam), thuộc địa bàn 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Việc thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) nhằm chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 đã được ký kết năm 2020 giữa Bộ NN-PTNT (cơ quan thực hiện Chương trình) và Ngân hàng Tái thiết và và Phát triển quốc tế (IBRD) – đơn vị được Quỹ đối tác carbon Lâm nghiệp ủy thác. Theo kế hoạch chia sẻ lợi ích, dự kiến tiền điều phối cho các tỉnh từ năm 2023 – 2025 như sau: Thanh Hóa hơn 8,3 triệu USD; Nghệ An hơn 14,5 triệu; Hà Tĩnh trên 6,3 triệu; Quảng Bình trên 12,1 triệu; Quảng Trị hơn 2,6 triệu và Thừa Thiên Huế hơn 5,6 triệu USD. |