Hay tin UBND tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch bảo vệ, nâng cấp, mở rộng nơi ở cho đàn vạc trú ngụ, ông Hai Chìa mừng rơn. Bởi hơn 15 năm qua, ông đã “hy sinh” gần 20 công vườn nhãn của mình nhằm để đàn vạc có nơi trú ngụ, còn ông ngày đêm bỏ công với mục đích duy nhất là chăm sóc, gìn giữ và bảo tồn đàn vạc.
Tình yêu đàn “chim trời”
Ông Lê Văn Chìa (thường gọi Hai Chìa, ngụ ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) năm nay đã 77 tuổi, nhưng tình yêu cho động vật hoang dã, cụ thể là đàn vạc mà ông “cưu mang” hàng chục năm qua vẫn như ngày nào. Nhiều người còn biết đến ông bởi thú vui “có một không hai” khi dám bỏ hơn 20 công vườn trồng nhãn đang cho huê lợi để cho đàn chim vạc về trú ngụ, sinh sống.
Câu chuyện bắt đầu từ khoảng giữa năm 2006, khi vườn nhãn nhà ông bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con. Lúc đầu ông nghĩ chúng trú tạm thời gian ngắn rồi đi, nhưng do gia đình cũng quý đàn vạc này nên canh giữ không cho ai bắn phá. “Ông bà mình có câu đất lành chim đậu. Như hiểu được tấm lòng của tui, chúng trú ngụ ngày càng nhiều hơn và cứ thế ngày càng sinh sôi nảy nở”- ông Hai Chìa chia sẻ.
Theo ông Hai Chìa, đây là loài vạc cùng họ với cò nhưng khác màu và thân mình to hơn, chân và mỏ “có vẻ ngắn hơn cò”. Hàng ngàn con vạc, cứ tầm 5-6 giờ sáng mỗi ngày ở khu vườn của ông, từng đàn, từng đàn bay về.
Mỗi đàn có vài chục con đến cả trăm con “biểu diễn” với những đường bay uốn lượn cùng tiếng đập cánh phành phạch hòa lẫn trong tiếng kêu oạc… oạc… làm xao động cả một khung trời. Chúng bay đậu lại trên những cây nhãn, cây đủng đỉnh, bời lời trú ngụ, tạo nên một khung cảnh tuyệt vời như ở những nơi bảo tồn động vật hoang dã.
Ông Hai Chìa cho biết, lúc đầu đàn vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn giữa lúc cho trái gây thiệt hại năng suất và không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn. Nhưng vì thương lũ vạc, ông đã bàn bạc với gia đình quyết dành khu vườn để cưu mang chúng.
Không những dành đất, bỏ vườn cây, ông còn ra sức bảo vệ. Ông Hai Chìa cho biết, đàn vạc thường xuyên bị người lạ vào bắn phá, bắt vạc. Con lớn thì bắn, ổ thì bị chọc lấy trứng và bắt chim con. “Nhiều lúc tui ra vườn thấy xác của những con vạc gãy cánh, nằm chết, tui thấy xót vô cùng!”.
Đó là lý do ông Hai Chìa không quản ngại ngày đêm hay nắng mưa, tuổi già để dựng chòi canh giữ, bảo tồn đàn vạc. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim, không biết được bao lâu. Sợ đến lúc tui không còn bảo vệ nổi thì đàn vạc này biến mất, thật vô cùng tiếc!”- ông Hai Chìa tâm sự với ước nguyện được ngành chức năng cùng tham gia gìn giữ.
Xây dựng, bảo tồn vườn chim vạc
Theo kết quả thực hiện “Công tác kiểm kê, khảo sát nghiên cứu vườn chim vạc tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long” đã ghi nhận 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có 5 loài ghi nhận làm tổ và có con non là vạc, cò trắng, cò ruồi, cốc đen và hút mật họng nâu. Trong đó, có ít nhất 13 cá thể cò ốc, 6 cá thể quắm đen, khoảng 130-135 cá thể cò ruồi, 80-120 cá thể cò trắng, 90-260 cá thể cốc đen, từ 600-625 cá thể vạc.
Nhằm gìn giữ, bảo tồn, mới đây UBND tỉnh Vĩnh Long có quyết định kế hoạch bảo vệ, nâng cấp, mở rộng vườn chim vạc thành cơ sở bảo tồn chim vạc cấp tỉnh phục vụ tham quan du lịch và giáo dục môi trường cho học sinh.
Theo đó, sẽ mở rộng diện tích vườn chim vạc quy mô từ khoảng 1,8ha như hiện nay lên 4-5ha. Đồng thời mở rộng đường vào khu vực vườn gắn với định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM…
Mặc dù chưa đủ điều kiện để nâng cấp thành cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nhưng vườn có sự hiện diện đa dạng loài của quần thể chim hoang dã.
Qua đó cũng cho thấy có ý nghĩa về mặt môi trường, giáo dục đóng góp quan trọng đến khả năng nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để xây dựng vườn chim vạc là điểm đến của các hoạt động du lịch phục vụ mục đích tham quan, giáo dục và nâng cao nhận thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Tỉnh sẽ có kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi, nâng cao nhận thức, vận động nhân dân không săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư và đặc biệt là không săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã tại vườn chim vạc, đồng thời xây dựng hệ thống camera giám sát, xây dựng rào, tháp canh để thực hiện quan sát, bảo vệ nhằm hạn chế việc xâm nhập trái phép vào khu vực vườn chim vạc.
Đồng thời, xây dựng thương hiệu “Vườn chim vạc xã Tân Mỹ” như là một biểu tượng thể hiện sự an toàn, thân thiện với môi trường đối với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Ông Ngô Vĩnh Tuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho biết trước mắt UBND xã tổ chức tuyên truyền cho người dân ý thức bảo tồn, không săn bắt các loài chim trong vườn vạc. Đồng thời, bố trí công an xã cùng hỗ trợ ông Hai Chìa trong việc bảo vệ, bảo tồn vườn chim vạc. |
Bài, ảnh: Hùng Hậu