Trẻ em trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam là đối tượng phải đối mặt với những cú sốc liên quan đến khí hậu cao gấp 6 lần so với thế hệ ông bà của các em, làm suy giảm khả năng ứng phó của trẻ và làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Hơn bất kỳ khu vực nào khác, trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phải vật lộn với nhiều mối nguy hiểm và cú “sốc” về khí hậu, môi trường chồng chéo, theo báo cáo mới nhất của UNICEF khu vực – ‘Vượt qua điểm bùng phát”.
Trong 50 năm qua, tại khu vực này, số các trận lũ lụt tăng gấp 11 lần, bão tăng gấp 4 lần, hạn hán tăng gấp 2,4 lần và sạt lở đất tăng gấp 5 lần.
Với nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt nghiêm trọng, lở đất và hạn hán ngày càng tăng, hàng triệu trẻ em đang phải chịu nguy hiểm. Nhiều trẻ em và gia đình phải di chuyển chỗ ở, bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch và vệ sinh.
“Tình hình trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương rất đáng báo động. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang đặt cuộc sống của các em trước nhiều nguy cơ, khiến các em bị bỏ lỡ tuổi thơ, quyền được sống và phát triển. Các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần cùng nhau hành động một cách khẩn cấp để giải quyết các trở ngại chính trong quản lý rủi ro thiên tai và áp dụng các dịch vụ thông minh thích ứng với khí hậu để trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh”, bà Debora Comini, Giám đốc khu vực UNICEF Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu.
Theo phân tích mới nhất, dựa trên chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em (CCRI), khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có hơn 210 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; 140 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị thiếu nước; 120 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ lụt ven biển; 460 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí.
Hơn nữa, trẻ em trong khu vực còn chịu ảnh hưởng từ nhiều loại sốc về khí hậu và môi trường, bị căng thẳng hoặc nguy hiểm.
Khi những cú sốc chồng chéo này được kết hợp với các loại khủng hoảng khác như thiếu lương thực, suy dinh dưỡng và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, thì việc đối phó và phục hồi trở nên đặc biệt khó khăn đối với trẻ em dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là là trẻ em nghèo và bị thiệt thòi và trẻ khuyết tật.
Cuối cùng, những tác động này còn làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng mà trẻ em đã phải hứng chịu, làm những người nghèo nhất nghèo thêm.
Từ những phân tích trên, báo cáo của UNICEF nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đầu tư vào các dịch vụ và chính sách xã hội thông minh thích ứng với khí hậu để bảo vệ trẻ em.
UNICEF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần hành động khẩn cấp, đầu tư vào xây dựng các dịch vụ xã hội thông minh thích ứng với khí hậu bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cung cấp nước sạch và vệ sinh, hệ thống cảnh báo sớm và bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu như hỗ trợ tiền mặt.
Tại Việt Nam, UNICEF cùng với Chính phủ tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em và đánh giá các hạn chế về năng lực trong hệ thống quản lý thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm.
UNICEF đã tiến hành khảo sát về khả năng lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà ở các trường học và trung tâm y tế, công trình cấp nước tập trung và thử nghiệm phương pháp đánh giá sử dụng bộ chỉ số rủi ro khí hậu cho trẻ em. Hầu hết các sáng kiến này hiện đã sẵn sàng để nhân rộng.
Những đánh giá toàn diện này cung cấp nền tảng vững chắc cho việc thay đổi chính sách và đầu tư dựa trên bằng chứng cho trẻ em và đảm bảo rằng các chương trình và kế hoạch liên quan đến khí hậu được xây dựng dựng dựa trên các thông tin chính xác và phù hợp với nhu cầu cụ thể của trẻ em và cộng đồng ở Việt Nam.
UNICEF có kế hoạch triển khai các dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng phát thải ròng bằng không và chống chịu với biến đổi khí hậu tại các vùng khác nhau ở Việt Nam.
Mục đích là thiết lập các cộng đồng phát thải ròng bằng không, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống dựa trên nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu và than đá, để thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Sự thành công của tất cả các mô hình này sẽ mang lại lợi ích cho trẻ em và cộng đồng của các em, đồng thời tạo điều kiện mở rộng quy mô và nhân rộng các mô hình tốt nhất trên toàn quốc, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.
UNICEF đang thúc đẩy cảnh báo sớm và hành động sớm – đưa thông tin đến các cộng đồng để giúp mọi người chuẩn bị và đảm bảo ứng phó thích hợp với các thách thức liên quan đến khí hậu.
Ví dụ, vào cuối năm nay và đầu năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hiện tượng ‘El Nino’, rất có thể dẫn đến hạn hán. Vì vậy, cấp thẩm quyền nên có cảnh báo cho các gia đình, khuyến khích họ thu trữ nước mưa, cung cấp cho họ các biện pháp thay thế nguồn nước sạch.
Để chuẩn bị và hỗ trợ kịp thời, UNICEF sẽ hành động sớm để đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất không phải trả phí nước sạch cao so với thông thường để các gia đình có nước sạch sử dụng.