Theo một báo cáo mới, từ nay đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ gây suy giảm 48% diện tích đất trồng cà phê tại Việt Nam, ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng vượt quá ngưỡng 2ºC so với thời tiền công nghiệp.
Những người trồng cà phê từ các nước như Honduras, Ethiopia, cho biết họ đang phải chịu đựng sự bất ổn, khắc nghiệt của khí hậu.
Tổ chức từ thiện Christian Aid đang kêu gọi Chính phủ Vương quốc Anh giúp đỡ những người nông dân này bằng cách xóa bỏ các khoản nợ trong quá khứ và quyên góp tiền để chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Trong một báo cáo mới mang tên Wake up and smell the coffee: The climate crisis and your coffee (Thức dậy và ngửi thấy mùi cà phê: Cuộc khủng hoảng khí hậu và cà phê của bạn), Christian Aid tính toán rằng nhiệt độ tăng và các điều kiện khắc nghiệt sẽ thu hẹp 54,4% diện tích đất phù hợp để trồng cà phê trên thế giới, ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng vượt quá ngưỡng 2ºC so với thời tiền công nghiệp.
“Là người trồng cà phê, tôi nhận thấy việc sản xuất ngày càng khó khăn hơn. Điều đó rõ ràng có liên quan đến biến đổi khí hậu bởi vì trước đây chúng tôi trồng cà phê và chúng tôi hầu như chẳng phải tốn nhiều công chăm sóc”, Yadira Lemus, một nông dân trồng cà phê ở Honduras, cho biết. “Nhiệt độ đang tăng lên. Rất khó để dự đoán thời tiết. Trước đây chúng tôi có thể nhận định lúc nào là mùa hè, lúc nào là mùa đông, và đâu là khoảng thời gian thích hợp cho việc trồng trọt. Giờ thì không.”
Biến đổi khí hậu còn khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện dày đặc hơn. “Ai biết được rằng các cơn bão và cơn cuồng phong giống như năm ngoái có lại xảy đến không,” Lemus đặt câu hỏi. “Hiện tại, chúng tôi đang thiếu nước. Chúng tôi dễ bị tác động hơn đối với những thay đổi thời tiết như thế này.”
Hơn một nửa lượng cà phê được dùng làm đồ uống ở Anh có nguồn gốc từ Brazil và Việt Nam, hai quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Tại Tây Nguyên, trong một số năm, mùa khô kéo dài khiến nguồn nước tưới cho cây cà phê ở ngày càng khan hiếm. Hạn hán xảy ra trong năm năm qua đã làm Tây Nguyên thiệt hại hàng trăm ngàn hecta cà phê và hoa màu.
Theo báo cáo, nhìn chung ngành cà phê của Việt Nam – nơi 95% sản lượng cà phê là Robusta – có thể ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hơn so với Brazil – thủ phủ của Arabica. Điều này một phần bởi Robusta có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với Arabica. Nếu nhiệt độ tăng 1,5-2ºC vào năm 2100, thì đến năm 2050, Việt Nam có thể mất 48% diện tích đất phù hợp để trồng cà phê. Nếu các chính sách cắt giảm khí thải toàn cầu không cải thiện đáng kể và nhiệt độ có thể tăng lên 2,5-3ºC, con số này là 71%.
Cần có hỗ trợ tài chính
Cũng trong báo cáo, Christian Aid đã kêu gọi chính phủ các nước phát triển hủy bỏ các khoản nợ và đưa ra hỗ trợ tài chính để giúp nông dân đa dạng hóa sinh kế.
“Người châu Phi chiếm 17% dân số thế giới nhưng chúng tôi chỉ tạo ra 4% lượng khí thải nhà kính đã gây ra khủng hoảng khí hậu. Vậy mà chính chúng tôi đang phải gánh chịu gánh nặng của những tác động của biến đổi khí hậu”, Yitna Tekaligne, giám đốc khu vực của Christian Aid ở Ethiopia. “Cà phê là ngành xuất khẩu quan trọng nhất của Ethiopia và tạo ra rất nhiều việc làm. Nhưng hiện ngành này đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê vô cùng rõ ràng, bao gồm cả bệnh gỉ sắt lá cà phê ở mức độ cao.”
Bệnh gỉ sắt đang dần dần trở thành vấn nạn của ngành cà phê, bệnh không gây chết cây trực tiếp nhưng gián tiếp làm cây suy yếu, gây mất năng suất. Việc lượng mưa thất thường và nhiệt độ tăng cao có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của dịch bệnh.
Tại Việt Nam, năm 2019, nhằm chứng thực tình hình bệnh gỉ sắt, ThS. Lê Thị Mai Châm và các đồng nghiệp tại Phòng Công nghệ Vi Sinh đã bắt đầu quá trình thu thập mẫu ở các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam, bao gồm Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc, từ đó bất ngờ nhận ra tỷ lệ xuất hiện bệnh ở các vùng trồng khá cao.
“Ở 85 trang trại chúng tôi khảo sát, có 41 trang trại xuất hiện mẫu lá cà phê bị nhiễm nấm gỉ sắt”, ThS. Châm tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Khoa học và Phát triển. Trong đó, giống Catimor có mức độ nhạy cảm cao hơn so với giống Robusta với các triệu chứng bệnh nghiêm trọng.
Theo ông David Taylor, giám đốc chính sách cấp cao của Fairtrade Foundation, báo cáo mang tính kịp thời của Christian Aid nêu bật những gì nông dân trồng cà phê đã phải đối diện trong một thời gian dài: hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm không chỉ cho sinh kế của họ mà còn cho tương lai cây trồng chủ lực của họ.
Hiện tại có quá nhiều nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ, hầu hết trong số họ đang đứng trước nguy cơ lâm vào cảnh bần cùng. Số tiền họ được trả cho công việc sản xuất cà phê cũng vô cùng ít ỏi, trong khi những gì họ đang phải gánh chịu rất lớn. Chính phủ các nước phát triển – đặc biệt là những nước phát thải nhiều nhất thế giới – cần đưa ra những hỗ trợ để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành này.