Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội vừa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Xây dựng năng lượng và xác định các vấn đề ưu tiên trong bảo tồn các loài vượn dưới tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Đây là chủ đề mang tính thời sự trong bối cảnh nguy cơ tuyệt chủng cao của một số loài trước tác động của biến đổi khí hậu.
Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, chuyên gia cùng xem xét, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cũng như tăng cường năng lực nghiên cứu trong việc lập mô hình phân bố loài theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau đối với vượn – một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TSKH Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN tin tưởng rằng, hội thảo sẽ tìm ra được cách giải quyết đối với một trong những nhóm động vật có xương sống đang bị đe doạ nhất tại Việt Nam hiện nay – nhóm vượn. GS.TSKH Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh, hội thảo là bước quan trọng hướng tới việc thiết lập mạng lưới các cơ quan nghiên cứu, quản lý cùng hợp tác bảo tồn các loài vượn ở Việt Nam. Hội thảo cũng là cơ hội tuyệt vời để đào tạo đội ngũ cán bộ bảo tồn sử dụng phương pháp học máy tiên tiến nhất để mô hình hoá sự phân bố và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu với các loài linh trưởng ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học trong bối cảnh hiện nay. Sự nóng lên toàn cầu đã khiến nhiều loài và môi trường sống của chúng bị tác động tiêu cực. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu gây ra. Đa dạng sinh học của Việt Nam đang và sẽ đứng trước những đe dọa nghiêm trọng đến từ những tác động của biến đổi khí hậu.
Cùng với việc mất và suy thoái môi trường sống cũng như khai thác quá mức, tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi đối với các loại dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam. Để bảo tồn hiệu quả các loại có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu lên các loài dễ bị tổn thương.