Ngày 23/5, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã diễn ra lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Công ty ENI S.P.A nước Cộng hòa Ý
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CH Ý – ngài Antonio Alessandro cùng chứng kiến lễ ký.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, với câu chuyện cân bằng khí nhà kính bằng 0 mà Chính phủ hai nước Việt Nam và Ý cùng quan tâm, Bộ NN&PTNT vui mừng chào đón Ngài Đại sứ và Công ty ENI đến làm việc và ký thỏa thuận hợp tác có tầm ý nghĩa lớn. Theo dữ liệu của LHQ, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các kịch bản BĐKH đang diễn ra nhanh hơn dự báo của Việt Nam.
Tại Hội nghị COP 26, Thủ trướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải bằng 0 vào năm 2050. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tin rằng với nỗ lực của mình cộng với hoạt động hợp tác quốc tế Việt Nam sẽ đạt được cam kết. Ngành nông nghiệp đã có nhiều kế hoạch, chiến lược để triển khai hành động. Trong cam kết tại COP 26, ngành nông nghiệp đã đưa ra lộ trình, trước mắt giảm 30% khí metan từ sản xuất nông nghiệp vào năm 2030 và cơ bản không còn khí metan vào năm 2050. Ngoài ra, để cân bằng CO2 ngành nông nghiệp cần tập trung nhiệm vụ phát triển rừng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Tôi đánh giá rất cao nội dung hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Công ty ENI, trong đó, chúng ta cần làm hai việc quan trọng là phát triển rừng, tạo ra thị trường trao đổi carbon và sử dụng công nghệ đặc biệt để các chế phẩm phụ trong nông nghiệp ENI tiếp tục sản xuất theo hướng tuần hoàn. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Ngài Đại sứ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng trong nhiều lĩnh vực trong đó có giảm khí thải nhà kính. Bộ NN&PTNT sẽ cử thành viên tham gia nhóm công tác cùng với Công ty ENI và các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện bản ghi nhớ này.
Đáp lời Thứ trưởng Hiệp, Đại sứ Antonio Alessandro chia sẻ, giống như Việt Nam, Ý cũng là một trong nhiều nước chịu tác động nặng nề của BĐKH và bày tỏ niềm vui khi hai nước mối quan tâm giống nhau, cùng quyết tâm chống lại BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Việc ký Biên bản ghi nhớ là một cách đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ý.
Theo Ngài Đại sứ, chuyển đổi năng lượng là một khái niệm rộng, trong đó bao gồm cả nông nghiệp do đó cần tập trung vào nông nghiệp để tiến tới mục tiêu Chuyển đổi xanh. Ý tự hào là đối tác chiến lược của Việt Nam và sắp tới sẽ là thành viên của nhóm diễn đàn 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7). “Đại sứ quán Ý sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện biên bản ghi nhớ”, Đại sứ Antonio Alessandro khẳng định.
Ông Alessandro Gelmetti – Giám đốc Công ty ENI Việt Nam nhấn mạnh mong muốn hợp tác để góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu cam kết tại COP 26, cũng như hỗ trợ lâu dài cho các cộng đồng địa phương. Với sự chia sẻ mục tiêu và tương đồng với nhau, Công ty ENI cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ sẽ hoàn thành các mục tiêu trong các hợp phần 1, 2 và 3.
ENI là một tập đoàn công nghiệp đa quốc gia lớn của Ý, có mặt tại Việt Nam từ năm 1970 và quay trở lại vào năm 2012 sau một thời gian gián đoạn. Hiện nay, Công ty ENI Việt Nam đang tham gia khai thác dầu khí tại 5 điểm. Câu chuyện bù đắp carbon, giảm phát thải nhà kính đã dẫn ENI đến với Bộ nông nghiệp trong bối cảnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn tiếp tục trong một thời gian nữa. Công ty ENI liên tục tìm kiếm cách thức đổi mới sáng tạo để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của LHQ cũng như nỗ lực của toàn cầu trong việc chống lại BĐKH và trong cam kết này, ENI sẽ đóng vai trò chủ động trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
ENI đặt ra thách thức lớn là đưa phát thải ròng về 0 đối với các hoạt động ở thượng nguồn vào năm 2030. Biên bản ghi nhớ thể hiện mong muốn được đóng góp cho Việt Nam và cho chính công ty trong mục tiêu bù đắp carbon. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chiến lược giảm phát thải 50 triệu tấn carbon. Xây dựng các dự án trên toàn cầu để có tín chỉ carbon, bằng các hoạt động khác nhau như thúc đẩy phát triển rừng bền vững hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp giảm phát thải. Việt Nam xác định được những giải pháp mang tính khả thi thì ENI cam kết sẽ hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để có những dự án dài hơi hơn.