Thuế carbon cùng quy định mới về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trong thời gian tới đối với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này. Điều này sẽ tạo ra những thách thức mới đối với các quốc gia xuất khẩu vào EU, bao gồm cả Việt Nam.
Liên quan câu chuyện nêu trên, KTSG Online đã có cuộc trao đổi với TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends (Mỹ).
“Chặn” sản phẩm phát thải carbon cao và gây tổn hại đến rừng
KTSG Online: Thời gian qua, câu chuyện thuế carbon đã được các nước phát triển trên thế giới đề cập tới, thậm chí ở Việt Nam. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
TS. Tô Xuân Phúc: Biến đổi khí hậu, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão lũ, sạt lở đất ngày càng có những tác động tiêu cực đến tất cả quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo – nơi hệ thống cơ sở hạ tầng để chống chịu với biến đổi khí hậu còn yếu kém.
Khoa học đã chứng minh một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là do sự nóng lên của trái đất, chủ yếu do lượng khí thải carbon xả ra từ các hoạt động sản xuất tăng mạnh trong những thập kỷ vừa qua. Hiện hầu hết các quốc gia đều đã cam kết đưa ra những biện pháp can thiệp nhằm giảm phát thải để giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Thuế carbon là công cụ đang được các nước, đặc biệt là những nước phát triển áp dụng. Việc sử dụng công cụ này có mục tiêu hạn chế các hoạt động sản xuất có mức phát thải cao. Nhìn chung, đây là công cụ tốt để hạn chế phát thải ra môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, công cụ này vẫn còn một số tranh cãi, đặc biệt là tại các nước đang và kém phát triển, bởi giảm hoạt động phát thải có nghĩa là hạn chế các hoạt động kinh tế. Việt Nam cần cân bằng tốt việc phát triển kinh tế và phát thải cũng như cần thực hiện công cụ thuế carbon theo lộ trình.
Trong bối cảnh đó, EU đã ban hành Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới – Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM). Đạo luật này được áp dụng từ ngày 1-10 tới sẽ có những thay đổi gì?
Mục tiêu của CBAM là “chặn” việc nhập khẩu hàng hóa có hàm lượng carbon, hay còn gọi là dấu chân carbon, cao hơn mức EU quy định từ các quốc gia bên ngoài khối này, thông thường là từ quốc gia chưa có các quy định chặt chẽ về dấu chân carbon trong sản phẩm. Hiện các nhóm mặt hàng nằm trong sự kiểm soát của CBAM, bao gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydrogen.
EU quyết định áp dụng CBAM chia làm hai giai đoạn, bao gồm thứ nhất, giai đoạn chuyển đổi, tính từ ngày 1-10-2023 đến 1-1-2026. Trong gian đoạn này, các nhà nhập khẩu những nhóm mặt hàng nêu trên từ các quốc gia bên ngoài EU cần khai báo phát thải khí nhà kính trong các hàng hóa nhập khẩu, nhưng chưa đánh thuế nên các nhà nhập khẩu chưa phải chi trả. Trong giai đoạn chuyển đổi này, EU cũng sẽ cân nhắc khả năng mở rộng các nhóm mặt hàng cần kiểm soát.
Giai đoạn thứ hai, được tính từ 1-1-2026, nhà nhập khẩu cần khai báo hàm lượng dấu chân carbon trong sản phẩm nhập khẩu, cần tính chứng chỉ CBAM (carbon tương tương) và phải trả tiền cho Chính phủ tại quốc gia trong EU, nơi hàng hóa được nhập khẩu vào. Giá của chứng chỉ được xác định dựa trên mức giá carbon trung bình hàng tuần theo hình thức đấu giá trong hệ thống “trao đổi hạn ngạch phát thải của EU” (EU Emission Trading System) hiện đang được vận hàng. Dự kiến mức giá phải trả cho chứng chỉ CBAM sẽ ngày càng tăng.
Còn với quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng- EU Deforestation-free Regulation (EUDR) thì sao, thưa ông?
Ngày 17-11-2021, Ủy ban châu Âu đề xuất quy đình nhằm giảm mất rừng và suy thoái rừng (EU Deforestation-free Regulation- EUDR). Đề xuất này được dựa trên cơ sở mở rộng các diện tích dầu cọ, gia súc, cà phê, ca cao, gỗ, cao su… gây mất rừng và làm suy thoái rừng. Chính phủ các nước EU cho rằng quốc gia của họ phải có một phần trách nhiệm về vấn đề này vì EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm này. Đề xuất này đã được EU thông qua vào tháng 12 năm ngoái và dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng vào quí 2 năm nay.
Một trong những nội dung cốt lõi của EUDR là EU sẽ cấm các công ty nhập vào thị trường này các sản phẩm bất hợp pháp và gây mất rừng. Hiện 7 nhóm mặt hàng (và sản phẩm được làm từ mỗi nhóm này) chịu sự kiểm soát của EUDR, bao gồm dầu cọ, cao cao, cà phê, gỗ, cao su, thịt bò và đậu tương. Thời điểm EU sẽ sử dụng nhằm đánh giá về mất rừng và suy thoái rừng có liên quan tới những hoạt động sản xuất các nhóm mặt hàng này là 31-12-2020.
EU cho phép nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nằm trong EUDR cho dù quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng và suy thoái rừng “trước” thời điểm 31-12-2020, với điều kiện việc mất rừng trong quá trình sản xuất các mặt hàng này được Chính phủ nước sản xuất cho phép, và các hoạt động của chuỗi cung tại quốc gia sản xuất tuân thủ với toàn bộ các yêu cầu của quốc gia này.
Khi EUDR chính thức có hiệu lực, các công ty nhập khẩu và các công ty thương mại lớn của EU sẽ có 18 tháng để chuẩn bị, trong khi các nhà nhập khẩu có quy mô nhỏ sẽ có 24 tháng. Các công ty từ EU khi nhập khẩu cần đưa ra cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình của họ. Các cam kết này bao gồm thông tin chi tiết về tên công ty nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu, tên sản phẩm, ngày sản xuất, lượng nhập khẩu, địa điểm mảnh đất nơi hàng hóa được sản xuất, các bằng chứng về sự tuân thủ với các yêu cầu tại quốc gia sản xuất cũng như các yêu cầu từ EU, bằng chứng không liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng.
Bên cạnh đó, dựa vào những thông tin nêu trên, các nhà nhập khẩu cần thực hiện việc đánh giá rủi ro liên quan tới các khía cạnh tuân thủ, rủi ro trong vi phạm các quyền đối với người bản địa, rủi ro trong khâu sản xuất, tính phức tạp của chuỗi cung.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cần cung cấp thông tin về các cơ chế mà họ áp dụng nhằm giảm thiểu các rủi ro đã được xác định. Nếu các nhà nhập khẩu không hoàn thành các nghĩa vụ này họ sẽ không được phép mang hàng hóa vào EU.
Nhận diện thực trạng, đáp ứng yêu cầu mới của của EU
EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Vậy, với những chính sách mới như đã nêu ở trên, nó sẽ tác động ra sao đến doanh nghiệp Việt Nam?
Trong các nhóm hàng hóa nằm trong kiểm soát của CBAM mà Việt Nam đang xuất vào EU, thì nhôm là nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Do đó, thực hiện CBAM sẽ trực tiếp tác động tới những doanh nghiệp đang xuất khẩu nhôm vào thị trường này. Còn kim ngạch xuất khẩu các nhóm mặt hàng khác từ Việt Nam vào EU nhỏ hơn nên sẽ có ít doanh nghiệp bị tác động hơn.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây, là EU chắc chắn sẽ mở rộng danh mục các mặt hàng cần kiểm soát, và như vậy tác động của CBAM tới các doanh nghiệp Việt sẽ mở rộng trong tương lai.
Trong khi đó, với nhóm các mặt hàng nằm trong diện kiểm soát của EUDR, Việt Nam có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng, bao gồm gỗ, cà phê và cao su. Vì vậy, thời gian tới, các nhà nhập khẩu từ EU sẽ yêu cầu các công ty Việt Nam khi xuất hàng cho họ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Như đã đề cập ở trên, thông tin cần cung cấp cho nhà nhập khẩu bao gồm các khía cạnh như: lượng sản phẩm, giá, tên sản phẩm, địa chỉ lô đất và toàn bộ các bằng chứng chứng minh cho việc sản xuất hàng hóa không gây mất rừng và suy thoái rừng, bằng chứng về tuân thủ với toàn bộ các yêu cầu của Việt Nam (Ví dụ, tiếp cận đất đai hợp pháp, hoàn thành trách nhiệm về thuế, phí, tuân thủ quy định về chế biến, an toàn lao động…).
Một trong những đặt điểm quan trọng trong khâu sản xuất cây hàng hóa ở Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, bởi khâu này chủ yếu do các nông hộ đảm nhận.
Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình có các diện tích rừng trồng với tổng số trên 1 triệu héc ta và gỗ từ nguồn này được cung cho các công ty chế biến xuất khẩu; có khoảng 1,3 triệu hộ trồng cà phê, với diện tích gần 700.000 héc ta và gần 300.000 hộ trồng cao su với diện tích khoảng trên 400.000 héc ta.
Để đáp ứng các yêu cầu của EUDR, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ nông hộ cần thu thập các thông tin, bằng chứng đầy đủ về diện tích, địa điểm, tình trạng pháp lý… của họ, trong khi hiện nhiều hộ còn thiếu các thông tin này. Bên cạnh đó, việc thu thập các thông tin này đòi hỏi nguồn lực lớn từ doanh nghiệp. Đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt trong tương lai.
Vậy doanh nghiệp cần phải làm gì trước những thay đổi mới này?
Các doanh nghiệp Việt Nam nên thu thập thông tin về chuỗi cung hiện tại của họ, đặc biệt là thông tin từ các nông hộ sản xuất. Dựa trên đó, doanh nghiệp xác định tình trạng thực tế chuỗi cung của họ. Sau đó, doanh nghiệp nên tiếp cận và nghiên cứu kỹ các yêu cầu của EUDR và xác định các thuận lợi, khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu này.
Như vậy, với các khó khăn được xác định, doanh nghiệp nên đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của EUDR.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc tuân thủ quy định mới của EU sẽ mang lại cơ hội gì cho họ, thưa ông?
Tuân thủ các yêu cầu của EUDR sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai.
Ông có chia sẻ gì thêm liên quan vấn đã đề cập trong cuộc trò chuyện này?
EUDR là quy định quan trọng của EU nhằm mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng, đặc biệt tại các quốc gia nhiệt đới. Trong thời gian tới, chắc chắn EU sẽ mở rộng danh mục hàng hóa nằm trong diện kiểm soát.
Bên cạnh đó, một số nước phát triển, bao gồm Mỹ, Canada và Anh cũng đang nghiên cứu mô hình này của EU và trong thời gian tới rất có thể các quốc gia này cũng sẽ áp dụng các cơ chế tương tự như EUDR. Điều này, sẽ có tác động vô cùng lớn tới doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng nằm trong các quy định này nói riêng và tới toàn bộ các chuỗi cung về các hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Xin cảm ơn ông!