Đa dạng sinh học là khái niệm mô tả tất cả các hình thái sự sống trên trái đất, trong đó bao gồm quá trình tiến hóa của mọi sinh vật, tập tính giúp các loài duy trì sự sống, cũng như sự tương tác giữa trong thế giới động – thực vật.
Giáo sư David Macdonald (trường Đại học Oxford, Anh) khẳng định “không có đa dạng sinh học thì không có tương lai cho nhân loại”. Theo ông, tài nguyên đa dạng sinh học là trụ cột để nhân loại xây dựng các nền văn minh. Ví dụ, cá cung cấp 20% protein động vật cho khoảng 3 tỷ người; hơn 80% chế độ ăn uống của con người dựa trên thực vật; có tới 80% dân số ở các nước đang phát triển chăm sóc sức khỏe với thảo dược truyền thống…
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Hành tinh Xanh đang đối mặt cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học chưa từng có. Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2023 của WEF xếp tình trạng mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái là một trong những nguy cơ lớn nhất mà thế giới phải đương đầu trong 10 năm tới. Báo cáo nêu rõ: “Do hơn 50% sản lượng kinh tế của thế giới phụ thuộc thiên nhiên ở mức trung bình đến nhiều, nên sự sụp đổ của các hệ sinh thái sẽ gây ra hậu quả kinh tế-xã hội sâu rộng”.
Dù ngày càng có nhiều người công nhận rằng đa dạng sinh học là tài sản toàn cầu, có giá trị rất lớn đối với các thế hệ tương lai, nhưng số lượng các loài động-thực vật vẫn đang tiếp tục suy giảm đáng kể. Một báo cáo khoa học đăng trên Capital Monitor hồi đầu tháng này cho thấy tốc độ tuyệt chủng của các loài động-thực vật trên trái đất hiện ở mức rất cao, gấp 1.000 lần so với trước thời kỳ con người xuất hiện. Mới chỉ có 5% số các loài sinh vật được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá và đưa vào Sách Đỏ, trong khi giới khoa học tin rằng vẫn còn hơn 25% số động vật có vú, 41% số động vật lưỡng cư và 13% số các loài chim đang bị đe dọa.
Báo cáo Hành tinh sự sống (Living Planet Report) năm 2022 của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho thấy quần thể động vật hoang dã đã suy giảm tới 69% chỉ trong 50 năm qua. Trong khi đó, các khoản đầu tư cho đa dạng sinh học ở thời điểm hiện tại chỉ chiếm 0,1% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. .
Tháng 12 năm ngoái, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP 15) đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal. Với sự nhất trí của gần 190 quốc gia, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đưa ra một loạt mục tiêu cần đạt được vào năm 2030, như: cắt giảm 50% lượng thực phẩm lãng phí trên toàn cầu; bảo tồn hiệu quả 30% diện tích đất và biển trên thế giới; phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái; chấm dứt nguy cơ tuyệt chủng của các loài vật nguy cấp do hành vi của con người; duy trì sự đa dạng của các nguồn gene… Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết huy động ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm từ nguồn công và tư để tài trợ cho thiên nhiên và giảm các khoản trợ cấp có hại cho thiên nhiên ít nhất 500 tỷ USD vào năm 2030.
Trên cơ sở Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, LHQ chọn chủ đề Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 22/5 năm nay là “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kỳ tăng cường tinh thần xung kích và thúc đẩy những quyết tâm chính trị nhằm thực hiện các cam kết và mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học 2023, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi: “Mỗi người hãy suy ngẫm về mối quan hệ của mình với hệ thống hỗ trợ sự sống của nhân loại. Từ không khí chúng ta hít thở, thực phẩm chúng ta ăn, cho đến năng lượng mà chúng ta sử dụng và các loại thuốc để chữa bệnh, cuộc sống của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc và cần có hệ sinh thái lành mạnh. Tuy nhiên, hành động của chúng ta đang tàn phá mọi ngóc ngách của hành tinh. Một triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, đó là kết quả của sự suy thoái môi trường sống, ô nhiễm tăng vọt và khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Chúng ta phải chấm dứt ngay cuộc chiến với thiên nhiên”.
Là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới và cũng đang phải đối mặt tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, Việt Nam cam kết cùng các nước trên thế giới hợp tác nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Cho đến nay, trái đất đã trải qua 5 lần tuyệt chủng hàng loạt, chủ yếu là do các hiện tượng tự nhiên như núi lửa phun trào, kỷ băng hà, tác động của thiên thạch và sự va chạm các lục địa. Giới chuyên gia cảnh báo đợt tuyệt chủng thứ sáu sắp xảy ra và nguyên nhân là do con người, thông qua những hành động trực tiếp và gián tiếp tàn sát thiên nhiên…, bởi vậy, chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học chính là hành động của con người. LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện những giải pháp và hành động sáng tạo để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.