Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: ‘Muốn giữ rừng phải quan tâm chăm lo để lực lượng kiểm lâm an tâm gắn bó với rừng, dốc sức bảo vệ rừng’.
Sáng 20/5, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973-21/5/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cuộc đấu tranh bảo vệ rừng luôn cam go, phức tạp
Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm chia sẻ: 50 qua, trên khắp các cánh rừng Việt Nam không nơi nào thiếu dấu chân của lực lượng kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm đã chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng tăng đều qua các năm, đạt và giữ vững ở mức 42% như hiện nay.
Đồng thời, kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và duy trì hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, đến nay có trên 11,7 triệu ha rừng đã được giao cho các chủ thể quản lý. Từ đó, giúp rừng thực sự có chủ, người dân thực sự yên tâm, tin tưởng, gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần ổn định đời sống gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo ông Nghĩa, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng luôn diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go, phức tạp; có lúc, có nơi trở thành “điểm nóng”. Tính từ năm 2010 đến nay có 12 chiến sỹ kiểm lâm đã mãi mãi ra đi, trong đó có những người nằm xuống khi tuổi xuân còn đang phơi phới; có đến 452 chiến sỹ đã mất mát một phần cơ thể hay phải chịu đựng thương tật suốt đời.
Chặng đường sắp tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như yêu cầu ngày càng cao về nhiệm vụ; áp lực của sự phát triển và bùng nổ của khoa học công nghệ đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức kiểm lâm cần phải thay đổi tư duy theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
“Bằng niềm tự hào, kế thừa lịch sử, truyền thống vẻ vang của ngành và tình yêu với rừng mỗi chúng ta sẽ tiếp tục gắn bó, đoàn kết, tiếp nối khát vọng đổi mới, sáng tạo để tiếp tục xây dựng lực lượng kiểm lâm đạt được nhiều kết quả hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân; vững vàng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, ông Nghĩa kỳ vọng.
Muốn giữ rừng phải giữ được lực lượng kiểm lâm
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan xúc động chia sẻ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; môi trường sinh thái; phát triển kinh tế – xã hội vùng xa, cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, lực lượng kiểm lâm đã có thể thực hiện toàn diện các hoạt động về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý từ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến chế biến và phát triển thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị. Những thành tựu của ngành nông nghiệp đã đạt được là minh chứng cho sự đóng góp không nhỏ của lực lượng kiểm lâm Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành kiểm lâm đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức như thực trạng vi phạm về các quy định quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; điều kiện làm việc của cán bộ kiểm lâm địa bàn rất khó khăn; chính sách đãi ngộ cho kiểm lâm chưa tương xứng với tính chất công việc được giao. Từ đó, dẫn tới tình trạng “chua xót” là nhiều cán bộ kiểm lâm đành ngậm ngùi bỏ rừng, xin nghỉ việc.
Trước thực tế đó, ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp trong thời kỳ mới. Theo đó, chiến lược sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp và kiểm lâm nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ rừng và phát triển kinh tế xã hội; tạo ra nhiều cơ hội việc làm và sinh kế cho người dân, lực lượng kiểm lâm, tiến tới xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững từ rừng.
“Giữ được rừng hay không phải dựa vào dân. Dân còn khổ thì anh em bảo vệ rừng còn khổ. Đừng nói chuyện giữ rừng khi đời sống người dân vẫn còn vất vả, không có sinh kế và như thế là bất công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lời của một hạt trưởng kiểm lâm đã từng chia sẻ.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng sẽ đảm bảo tăng cường vai trò tham mưu cho cấp ủy chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp và quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản giảm thấp nhất tình trạng phá rừng.
Đồng thời, chiến lược sẽ đảm bảo tăng cường đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, từng bước thay thế hoạt động trực tiếp của con người.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với Cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan, doanh nghiệp, ban quản lý rừng, chủ rừng, địa phương xây dựng Đề án phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng với kỳ vọng đề án mở ra cơ hội mới cho rừng, cho người trồng rừng và giữ rừng.
“Muốn giữ rừng phải giữ được người, phải giữ được lực lượng kiểm lâm đầy trách nhiệm và tâm huyết. Muốn giữ rừng phải quan tâm chăm lo để lực lượng kiểm lâm an tâm gắn bó với rừng, dốc sức bảo vệ rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng bày tỏ mong muốn, với tinh thần trách nhiệm, niềm lạc quan, yêu đời, công việc, đồng đội, bà con các dân tộc sống dưới tán rừng và xung quanh rừng; vì sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn tài nguyên ngàn đời của ông cha để lại, mài giũa thành những viên ngọc quý chuyển giao cho thế hệ mai sau, lực lượng kiểm lâm Việt Nam sẽ dốc hết tâm sức của mình khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhà nước và nhân dân.
“Trồng rừng cũng như giữ rừng cần có một tình yêu trong sáng, đầy ắp tình yêu con người, thiên nhiên. Thiên nhiên có thể tồn tại mà không cần đến con người, nhưng con người không thể tồn tại mà không có thiên nhiên. Thấm nhuần việc này, lực lượng kiểm lâm càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình vì màu xanh của đất nước vì thế hệ hôm nay và mai sau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dặn dò.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Kiểm lâm và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ NN-PTNT cho các tập thể, cá nhân (thuộc các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm) đã có thành tích xuất sắc trong công tác.