Theo Bloomberg, ông Mohammad Mohasin thường chèo thuyền gỗ hoặc bơi đến khu vườn nổi của mình ở Barisal, khu vực phía Nam Bangladesh.
Tại đây, người đàn ông này trồng cà chua, bí ngô, khoai tây, đậu, cà tím và dưa chuột. “Nếu tôi trồng những thứ này trong một khu vườn bình thường, lũ lụt sẽ tàn phá chúng. Nhưng khi mực nước ở đây dâng cao, khu vườn của tôi cũng sẽ nổi cao lên”, ông Mohasin cho biết. Khu vườn này mang lại cho ông Mohasin tới 70.000 taka (658 USD) mỗi tháng trong mùa thu hoạch cao điểm.
Các vườn nổi được làm bằng thân cây lục bình và đôi khi được cố định bằng cọc tre. Với chi phí thấp, vườn nổi là sự lựa chọn khả thi cho nông dân Bangladesh. Những người nông dân nói rằng ngay cả khi bão gây ra những thiệt hại, các vườn nổi có thể được làm lại nhanh chóng.
“Khi mọi thứ bị cuốn trôi, chúng tôi không mất nhiều thời gian để phục hồi”, ông Mohammad Shamsul Haque, một nông dân 64 tuổi ở Barisal, người đã trồng rau củ ở vườn nổi trong 40 năm, cho biết. Vườn nổi được coi là giải pháp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH), tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng trọt trong bối cảnh lũ lụt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn ở Bangladesh.
Do nằm ở vùng trũng thấp, Bangladesh là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH. Phần lớn đất đai nông nghiệp ở nước này bị ngập lụt trong những mùa mưa khắc nghiệt. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đến năm 2050, mực nước biển dâng cao, làm xói mòn bờ biển, có thể khiến 20 triệu người dân Bangladesh phải di dời, đồng thời nhấn chìm một diện tích đất đáng kể và xóa sạch phần lớn sản lượng lương thực của nước này.
Khi BĐKH làm tăng cường gió mùa, khiến tuyết ở dãy Himalaya tan nhanh hơn và bão xảy ra thường xuyên hơn, các hệ thống nông nghiệp như ruộng lúa không còn đáng tin cậy nữa vì chúng dễ bị hư hại bởi thời tiết và dễ bị xâm nhập mặn. Trong khi đó, khoảng một nửa lực lượng lao động của Bangladesh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, các chiến lược thích ứng với BĐKH là rất cần thiết.
Bài học từ Bangladesh có thể mang giá trị toàn cầu khi thế giới phải đối mặt với lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn do BĐKH. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), lũ lụt gây thiệt hại 21 tỷ USD cho cây trồng và vật nuôi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp trong giai đoạn 2008-2018.