Ngày 15/5, UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) ban hành văn bản chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện kiểm tra, xác minh loài động vật hoang dã mà công nhân trình báo nghi là hổ.
Trước đó, khi làm việc tại diện tích rừng do Cty CP Cao su Bảo Lâm quản lý (thuộc địa bàn xã Lộc Bảo), công nhân gặp loài động vật hoang dã có lông màu xám, hình thù giống hổ nên đã trình báo với đơn vị và cơ quan chức năng.
Nhận được báo cáo về vụ việc, UBND huyện giao Cty CP Cao su Bảo Lâm và UBND xã Lộc Bảo thông báo đến người dân ở các khu vực liền kề với khu vực rừng nói trên hãy cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn với loài động vật hoang dã nghi là hổ.
“Khi phát hiện các loài động vật hoang dã có hình thù giống hổ thì thông báo đến Hạt Kiểm lâm và cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, tuyệt đối không được săn bắn động vật hoang dã trái phép”, ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm lưu ý.
Đây không phải là lần đầu tiên có người phát hiện loài vật nghi là hổ. Ngày 6/8/2022, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết một người dân trình báo về việc gặp hổ tự nhiên khi đi sâu vào rừng ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Người này sau đó đã phản ánh đến Ban Quản lý Vườn quốc gia về việc mình đã gặp 1 con hổ khi đi thám hiểm du lịch tại đây. Vị trí người này cho rằng gặp hổ tự nhiên ở Km24 trên đường 20 Quyết Thắng, con đường độc đạo chạy băng rừng từ đường Hồ Chí Minh – nhánh Tây lên 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch thuộc lâm phận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Sau khi nhận được trình báo có hổ xuất hiện tại khu vực rừng Phong Nha – Kẻ Bàng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, đồng thời đặt bẫy ảnh để xác minh. Tuy vậy cho đến nay vẫn không thể phát hiện dấu vết của hổ tại đây.
Theo số liệu của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).
Một thống kê vào tháng 11/2021 cho biết chỉ còn 3.900 con hổ hoang dã trong tự nhiên trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, hổ tập trung đông nhất tại Indonesia (670 cá thể), Thái Lan (221 cá thể), Malaysia (200 cá thể).
Trong khi nhiều quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã, thì hoạt động nuôi hổ ở Việt Nam vẫn còn nhiều mặt trái.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết hoạt động nuôi nhốt hổ không vì mục đích thương mại do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đang phát triển mạnh với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tăng dần qua các năm. Thực tế cho thấy trong hơn 10 năm qua, mặc dù số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (2021) tại 22 cơ sở nuôi nhốt, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân. Tuy nhiên, đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động nuôi hổ bảo tồn, ENV cho rằng không có bất cứ cơ sở nào trong những cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam đang thực hiện đúng.
Theo lý giải của ENV, nuôi hổ để bảo tồn là nuôi với mục tiêu phục hồi, tái thả về môi trường tự nhiên. Đây là một quá trình lâu dài, tốn kém và đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể cũng như đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cần phải có sức khỏe đảm bảo, mang đầy đủ bản năng tự nhiên cũng như xác định được môi trường tái thả và kế hoạch tái thả phù hợp.