Khi Tây Ban Nha rơi vào cảnh cạn kiệt nguồn nước, những người nông dân lo lắng cho sự sống còn của họ, còn các nhà môi trường cho rằng đã đến lúc “khu vườn của châu Âu” phải suy nghĩ lại về cách sử dụng và quản lý nguồn cung cấp nước ngày càng khan hiếm của mình.
Khô hạn bất thường
Có một thành ngữ ở Tây Ban Nha: “En Abril, aguas mil”, nghĩa là tháng 4 sẽ mang theo những cơn mưa. Nhưng năm nay, tháng 4 là tháng khô hạn nhất và một số thành phố của Tây Ban Nha đã ghi nhận nhiệt độ tăng cao kỷ lục, như tại Cordoba, đỉnh điểm nhiệt độ ngoài trời là 38,7 độ C hay tỉnh Seville ở Andalusia là 37,8 độ C. Tình hình đặc biệt đáng báo động ở các vùng Catalonia và Andalusia, nơi các hồ chứa nước chỉ còn dưới 25% mức chứa. Cả hai khu vực đều áp đặt các hạn chế về nước vào cuối tháng 2, nghĩa là cư dân không còn được phép tưới vườn hoặc đổ đầy bể bơi của họ. Nông dân cũng được yêu cầu giảm tưới tiêu.
Ông Serge Zaka, một chuyên gia về khí hậu nông nghiệp, mô tả Tây Ban Nha đang ở trong “tình trạng hạn hán nghiêm trọng”, gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt hạn hán vào mùa hè năm 2022 và mùa đông khô hạn sau đó. “Trạng thái hiện tại về trữ lượng đất và nước nói chung tương đương với tháng 8, giữa mùa hè mọi năm. Đây là điều hoàn toàn chưa từng có”, ông nói.
Đối với Ricardo Ferri, một nông dân ở cộng đồng Valencia, hậu quả hạn hán rất rõ ràng: Sau 100 ngày không mưa, ông đã mất trắng mùa màng. Khu đất rộng 55ha của ông bị khô hạn nghiêm trọng. Cây lúa mì chỉ lớn bằng 1/4 kích thước thông thường. Về cơ bản, chúng đã ngừng phát triển kể từ trận mưa cuối cùng vào đầu tháng 2-2023. “Nhìn đâu cũng thấy đất khô hoàn toàn, không có lấy một giọt ẩm! Đây là lần đầu tiên tôi mất tất cả vì hạn hán… Tất cả nông dân trồng ngũ cốc ở khu vực này cũng vậy”, ông Ferri nói.
Những người nông dân như ông Ferri đã mất mùa hoàn toàn, hy vọng nhận được một khoản hỗ trợ khẩn cấp để đối phó với khó khăn tài chính. Cuộc khủng hoảng nước đã khiến Chính phủ Tây Ban Nha công bố một loạt biện pháp giúp đỡ nông dân, bao gồm giảm 25% thuế thu nhập cho khoảng 800.000 người.
Viễn cảnh dài hạn cũng không mấy sáng sủa. Theo các chuyên gia khí hậu, Tây Ban Nha và Địa Trung Hải nói chung được dự đoán là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên thế giới trong những năm tới. “Tôi không phải là nhà khoa học, tôi không biết điều này liên quan đến sự nóng lên toàn cầu đến mức nào nhưng chỉ biết mùa đông sang mùa hè mà không có sự chuyển tiếp. Hiện giờ có thể 0 độ và một tuần sau, nhiệt độ gần 30 độ”, ông Ferri chia sẻ.
Bài học về khai thác tài nguyên nước
Các nhà môi trường cho rằng, cuộc khủng hoảng nước ở Tây Ban Nha không chỉ do khí hậu nóng và khô hơn mà các hoạt động canh tác cũng là một phần nguyên do. Julio Barea, người chịu trách nhiệm về các vấn đề nước tại tổ chức Hòa bình xanh Tây Ban Nha, cho biết: “Đợt hạn hán này cho thấy những hạn chế của mô hình nông nghiệp Tây Ban Nha, vốn dựa trên quan niệm sai lầm rằng chúng ta có nguồn nước dồi dào”.
Ngày nay, ngành nông nghiệp Tây Ban Nha chiếm tới 80% lượng nước ngọt tiêu thụ của cả nước. Kể từ những năm 1950, Tây Ban Nha đã lắp đặt hàng trăm con đập và hệ thống dẫn nước để đối phó với tình trạng thiếu nước tái diễn. Tổng cộng, quốc gia này có khoảng 1.200 đập và hồ chứa nhân tạo – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Hầu hết chúng tập trung ở nửa phía Nam của Tây Ban Nha, cung cấp cho các trang trại. Nhưng cái giá của tên gọi “vườn sau nhà của châu Âu” là gì? Mực nước ngầm của Tây Ban Nha rơi vào tình trạng cạn kiệt nước.
Ông Patricio Garcia-Fayos, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sa mạc hóa ở Valencia đánh giá, biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đang đẩy nhanh quá trình sa mạc hóa ở Tây Ban Nha. Sa mạc hóa cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng, vì thảm thực vật khô là vật liệu dễ bắt lửa. Năm ngoái, Tây Ban Nha hứng chịu số vụ cháy rừng lớn nhất ở châu Âu. Năm nay, khoảng 40.000ha đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Cơ quan Khí tượng Nhà nước Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo về “nguy cơ hỏa hoạn cực cao” đối với một phần lớn đất nước.
“Cần phải chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời học cách quản lý nguồn nước tốt hơn. Nếu không, một phần lớn Tây Ban Nha sẽ trở thành sa mạc trong vài năm nữa”, ông Patricio Garcia-Fayos cảnh báo. Nhiều chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng thêm các hồ chứa nước không còn ý nghĩa nữa bởi Tây Ban Nha không còn nước để đưa vào các hồ dự trữ. Thay vào đó, họ phải có sáng kiến mới để tiết kiệm nước hoặc tái sử dụng nước thải.