Với chủ đề “Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, Ngày Môi trường thế giới năm 2009 với thông điệp chính là biến đổi khí hậu.
Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2009 được phát động với chủ đề: “trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu” (Your planet needs YOU! UNite to combat climate change) và Mexico được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Lễ kỷ niệm quốc tế sự kiện môi trường quan trọng này.
Với chủ đề “trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu”, Ngày Môi trường thế giới năm 2009 với thông điệp chính là biến đổi khí hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và các chính khách trên thế giới.
Thực tế, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của nhiều dân tộc trên khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam. Biểu hiện rõ nét nhất là chế độ thời tiết thất thường, sự ấm lên của trái đất làm tan băng ở Bắc và Nam cực, nước biển dâng lên làm nhiều thành phố và diện tích đất nông nghiệp của các quốc gia ven biển có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, xuất hiện nhiều mưa lũ, bão, lốc xoáy và con người đang phải đối mặt với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu như dịch bệnh, đói nghèo, mất nơi ở, thiếu đất canh tác, suy giảm đa dạng sinh học….
Nguyên nhân của sự biến đổi khí hậu trái đất ngày nay chủ yếu là do các hoạt động của con người, chặt phá rừng để làm nông nghiệp, chăn nuôi, làm vật liệu trong các ngành sản xuất công nghiệp, dân dụng và đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên làm phát thải hơn 20% khí nhà kính trên toàn cầu, đặc biệt là CO2. Một số hình thức canh tác, chăn nuôi, giao thông vận tải với thói quen sử dụng năng lượng, nhiên liệu không tái tạo và các sản phẩm từ rừng đã làm giảm khả năng hấp thụ khí CO2 và gián tiếp tăng thêm khí CO2 vào khí quyển.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, những lĩnh vực, đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu bao gồm: An ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe, nơi cư trú, giao thông vận tải nhất là vùng ven biển và miền núi.
Các khu vực dễ bị tổn thương bao gồm dải ven biển (kể cả những đồng bằng, đặc biệt là những vùng hàng năm thường chịu ảnh hưởng của bão, nước dâng do bão, lũ lụt), vùng núi, nhất là những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các cộng đồng dễ bị tổn thương bao gồm: Nông dân, ngư dân (nhất là ở những khu vực dễ bị tổn thương), các dân tộc thiểu số ở miền núi, người già, phụ nữ, trẻ em và các tầng lớp nghèo nhất ở các đô thị…
Vì vậy, hậu quả của biến đổi khí hậu đối với kinh tế – xã hội và môi trường chưa thể lường hết được, song chắc chắn biến đổi khí hậu là nguy cơ hiện hữu với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và là nguy cơ tiềm tàng đối với sự phát triển bền vững và việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của mỗi quốc gia.
Thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Năm quốc tế về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các Bộ, ban, ngành đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên, cán bộ, công nhân viên và cộng đồng chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời triển khai tốt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về tăng cường Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đât nước”.
Các địa phương tổ chức mít tinh và triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng sự kiện môi trường này như làm vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trồng cây; sửa chữa, xây mới các công trình cấp nước sạch, công trình nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi…Tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo nhân dân về nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt…
Ngày Môi trường thế giới được kỷ niệm vào ngày 5 tháng 6 hàng năm là dịp quan trọng để tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn cầu về môi trường. Mỗi năm, UNEP lựa chọn một chủ đề và chọn một thành phố để tổ chức lễ kỷ niệm quốc tế chính thức.
“Mỗi năm trái đất mất 13 triệu ha rừng, khoảng 600 triệu ha đất bị hoang mạc hóa, đa dạng sinh học bị suy giảm với hàng trăm nghìn loài bị tuyệt chủng trong một năm… Khí hậu trái đất bị biến đổi và sự tác động đó làm cho sự sống trên trái đất mất đi và gây thảm họa chưa thể lường hết. Vì thế chúng ta phải liên kết lại” – Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Nguyễn Ngọc Sinh.