LTS: Thời điểm này, khi các cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu trổ bông, là lúc từng đàn chim, cò… sà xuống kiếm ăn. Đây cũng là lúc các tay “thợ” đua nhau giăng bẫy săn bắt chim trời, bất chấp quy định của pháp luật. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và cơ quan chức năng vẫn thường ra quân kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng săn bắt, mua bán chim trời vẫn diễn ra hàng ngày một cách ngang nhiên, đến hồi báo động. Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài về hành trình của phóng viên tìm nguyên do vì sao nạn săn bắt chim trời vẫn mặc nhiên tồn tại và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã và đang làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Mỗi mùa, ở khắp các vùng sẽ có những loài chim về di cư. Song, ngay tại mảnh đất mà chúng neo đậu, các loài chim lại phải đối diện với sự hủy diệt. Điều đáng nói là ở nhiều nơi, người dân coi chuyện đó là lẽ tất nhiên vì “của trời cớ sao không kiếm”!
Lưới giăng bủa vây
Những ngày tháng 5, trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi được người dân địa phương chỉ dẫn về một gia đình được xem là “thợ săn” tên H.C.T ở xã Hòa An (Chiêm Hóa). Anh T cho biết, do không có công việc ổn định, đất sản xuất thì ít, nên anh phải làm thêm nghề bắt cá và săn các loài chim trời để kiếm thêm thu nhập. Thời điểm bẫy chim trời thường kéo dài cả ngày, tuy nhiên, chim về nhiều và dễ bắt nhất là sáng sớm và cuối giờ chiều. Mỗi ngày anh T. có thể săn được hàng chục chú chim các loại. Chim sẻ dùng làm thịt, các loại chim sáo, vành khuyên, cu gáy, chào mào… thì bán cho khách mua về làm cảnh.
Dụng cụ đắc lực của anh T. là một cái lồng đan bằng tre, bên trong nhốt chim mồi, sau đó, dùng thức ăn hấp dẫn để bẫy “đối tượng” là những con chim rừng. Bí quyết của loại bẫy này nằm ở cái cửa lồng được đan khéo léo bằng cật nứa mỏng hình nắp đơm khiến chim khi đã vào lồng thì hết đường ra. Cứ vậy, chỉ trong vòng vài giờ kể từ lúc chúng tôi có mặt, người thợ săn chim này đã bẫy được 4 chú chim chào mào. Cạnh đó là chiếc lồng nhỏ để nhốt chim mới săn bắt được, trong đó có tới hàng chục con chim chào mào, cuốc, chích chòe đang sắp trở thành mồi nhậu hay được đưa ra chợ bán.
Tôi hỏi anh T: “Săn chim thế này, anh có nghĩ mình đang làm hại thiên nhiên?”. Anh T. cười, trả lời: “Mình không săn thì người khác cũng săn. Ở khắp các cánh đồng đang mùa lúa chín, nơi nào chả có người giăng bẫy. Nó là lộc của trời mà”.
Khác với kiểu săn chim của anh T., thời gian gần đây, ở nhiều địa phương như Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, những người săn chim ngoài cách đặt bẫy truyền thống, họ còn nghĩ ra nhiều “chiêu độc” để tận diệt chim trời. Vây lưới như “thiên la địa võng”, dùng loa điện giả tiếng chim… là một trong những kiểu bẫy chim trời khá tinh vi hiện nay.
Ông V.V.H, một người có thâm niên săn chim trời ở thôn An Mỹ, xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết, trước đây, những thợ săn chim thường đánh bắt bằng phương pháp bẫy thủ công truyền thống như đặt các loại chim bằng mô hình hoặc chim mồi để dụ. Thấy dưới ruộng có đồng loại, tưởng yên bình, đám chim bay ngang qua sà xuống là dính bẫy.
Nay thì khác, nhiều người đã nghĩ ra nhiều chiêu “độc” khiến rất nhiều loài chim trời dù được đánh giá rất tinh khôn, cũng khó thoát. “Đó là cách dùng lưới để giăng và dùng loa điện giả tiếng chim để dụ chim vào lưới” – ông H. nói.
Trên cánh đồng Lũng Vy ở thôn An Mỹ, xã Đại Phú rộng hàng chục ha, những tấm lưới trắng trong suốt khi giăng lên như “tàng hình”. Ở giữa ma trận lưới tàng hình đó, ông H. đặt những chiếc loa điện phát ra tiếng các loài chim. Ở mỗi vị trí, ông H. xác định có thể loài chim nào hay đi qua để đặt loa cho đúng tiếng kêu. Sau khi giăng lưới, đặt loa, ông nấp sẵn dưới các bụi cây để chờ đợi. Các loài chim, cò nghe tiếng kêu, tưởng đồng loại, sà xuống kiếm ăn và mắc ngay “thiên la địa võng” đã chờ sẵn. Với kiểu đánh bắt này, có ngày ông H. thu được gần 1.000 con chim các loại. Các loài chim lớn, chim bé, khó có con nào có thể thoát được.
Đối với bẫy bằng keo dính cũng vậy, những người đánh bẫy sẽ dùng chim, cò bằng xốp đặt trên những chiếc cọc được dính keo kết hợp với máy thu phát âm thanh và cắm sẵn ngoài cánh đồng, trên cành cây, khi chim đậu xuống sẽ dính lại, không bay lên được.
Bẫy chim như thế người dân dựng khắp nơi. Khi thì ở cánh đồng dưới chân núi, khi thì ở trên đỉnh núi, khi thì ở ngay cạnh nhà ở… Do là chim tự nhiên nên thịt thơm, ngon, thậm chí được xem là món ăn đặc sản có mặt tại nhiều nhà hàng nên chim trời rất được ưa chuộng. Không những vậy, thu nhập từ việc săn chim bán cũng không ít, vì thế “nghề” tận diệt chim trời ngày càng nhiều người tham gia hơn.
Vắng bóng chim ca
Nhũng người thợ săn mở các “chiến dịch” truy tìm, rình rập và bủa lưới ở những nơi có bóng dáng các chú chim trời tội nghiệp, thậm chí còn dùng cả phương tiện hiện đại để tiến hành các cuộc vây bắt hàng loạt. Giờ đây, ở các vùng thôn quê, miền núi, ngày một vắng hơn cánh chim trên cánh đồng, ngọn cây, kẽ lá…
Ông Triệu Đăng Khoa, tổ dân phố Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, các vùng quê bây giờ yên tĩnh, không còn cảnh “chim kêu vượn hót” như hồi xưa. Giờ còn đâu cảnh đàn trâu trên cánh đồng quê lững thững gặm cỏ, có đàn chim sáo đậu trên lưng. Vì yêu chim, ông thường hay về các miền quê, tìm “trắng dã con mắt’’ vẫn không thấy đâu những chú quạ đen, diều hâu, khách… trải cánh trên bầu trời, đậu nhún nhảy trên cành cây, lang thang trên mặt đất; không thấy đâu những con cuốc từ đám ruộng lúa, bụi tre già vụt bay ra… Chim sáo, chào mào, sẻ, én… bây giờ cũng chẳng còn mấy. Đã vậy nếu có phát hiện đàn chim bay về đâu đó, đội săn chim mừng lắm, lập tức kéo đến bẫy bắt, mang đi bán. Chỉ thương những chú chim trời dáo dác sợ hãi, bất lực thoi thóp trước sự tàn nhẫn của những “tay săn” lạnh lùng.
“Trước đây, mỗi sáng thức dậy, tôi vẫn luôn được nghe tiếng chim hót líu lo mỗi ngày. Không chỉ bay lượn khắp xóm, có những chú chim trời còn mạnh dạn sà xuống sân kiếm ăn, đậu ngay hiên nhà, làm tổ ở các khe hở của mái nhà, hót ríu rít cả ngày khiến cuộc sống thêm tươi vui. Nhưng gần đây, cả xóm thấp thỏm lo lắng khi chứng kiến những “tay săn” chuyên tận diệt chim trời. Họ đặt chú chim giả trên cành gỗ dài, có dán keo dính, rồi mở loa lớn, nhái tiếng kêu của chim. Tưởng có bạn, chim trời sà xuống đậu vào cành gỗ, lập tức bị dính bẫy. Tiếng kêu thất thanh, cùng sự vùng vẫy của lũ chim nhỏ, khiến người nghe không khỏi xót lòng. Nhiều lần thấy có người đến bẫy chim tôi tìm mọi cách đuổi đi, nhưng cứ khi tôi vắng nhà là họ lại đến bẫy. Giờ tôi cũng không giữ nổi đàn chim nữa, không biết chúng bay đi đâu hay bị tận diệt hết rồi” – ông Bùi Chí Hải, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) kể trong bất lực.
Muôn kiểu săn bắt tận diệt chim trời chính là nguyên nhân làm cho trên cánh đồng, làng quê giờ hiếm thấy cảnh đàn chim bay liệng mỗi khi chiều về. Nhiều người không khỏi tiếc nuối bởi đâu còn cảnh đồng quê có “Con cò mỏi cánh bay ngang/Dạt dào sóng lúa mênh mang sớm chiều”.
(còn nữa)
Điều tra:Thanh Tùng