Tín hiệu xấu từ việc phát hiện thể trạng gày gò của cá voi xanh ở Australia

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, sau khi quan sát những con cá voi xanh gầy gò ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Australia, các nhà nghiên cứu nước này cảnh báo rằng việc các đại dương nóng lên đang gây áp lực về nguồn cung cấp thức ăn cho loài cá này.

Ảnh minh họa: scmp.com

Hằng năm, Tổ chức Nghiên cứu về Cá voi Xanh (BWS) đều đặn thực hiện các cuộc khảo sát từ trên không về các loài động vật biển có vú lớn kiếm ăn ở vùng biển giữa Nam Australia và phía Tây bang Victoria trước khi chúng di cư lên phía Bắc để sinh sản.

Nhà nghiên cứu Peter Gill, người tiên phong nghiên cứu cá voi xanh ở vùng biển Australia và là Giám đốc điều hành của BWS, cho biết cuộc khảo sát gần đây nhất đã phát hiện số lượng cá voi nhiều hơn những năm trước, nhưng các nhà nghiên cứu quan ngại về sức khỏe của chúng vì nhiều con có thể trạng gầy gò.

Ở bờ biển phía Tây, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện điều tương tự và nhấn định đây là một dấu hiệu xấu. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng cá voi xanh không có đủ thức ăn ở một số giai đoạn trong vòng đời của chúng.

Do có kích thước khổng lồ, cá voi xanh phải kiếm ăn quanh năm để duy trì trọng lượng, có thể lên tới hơn 200 tấn. Nhà nghiên cứu Gill xác định các khu vực sinh sản ngoài khơi bờ biển Indonesia là một địa điểm lý tưởng cho cá voi xanh nhưng đang trong tình trạng khan hiếm thức ăn. Ông nói: “Đã có những dấu hiệu cho thấy những vùng nước đó đang ấm lên khá nhanh trong vài năm qua và đó là tin xấu đối với loài nhuyễn thể vốn thích nước lạnh”.

Do các mô hình di cư lớn, nhất quán và các thói quen khác, thể trạng của cá voi xanh được coi là một chỉ số về sức khỏe của các đại dương trên thế giới. Vanessa Pirotta, nhà khoa học về động vật hoang dã, cho biết các cuộc khảo sát trong nhiều năm có thể giúp tăng sự hiểu biết của con người về những thay đổi môi trường mà cá voi đang phải đối mặt.

Nguồn: