Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, dự báo xu thế biến đổi và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai…
Quy hoạch nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai
Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, dự báo xu thế biến đổi và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai…
Quy hoạch kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ;…. Quy hoạch cũng tăng thêm 3 đối tượng bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng và đất ngập nước quan trọng.
Quy hoạch nhằm mục tiêu: Gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, đến năm 2030 diện tích các khu bảo tồn trên cạn đạt gần 3 triệu ha (tương đương 9% diện tích đất liền), tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3%-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Số khu bảo tồn tăng từ 178 lên 256 đơn vị, trong đó thúc đẩy các khu bảo tồn đất ngập nước và biển. Đồng thời, thành lập các cơ sở nuôi trồng loài nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ, tăng cường năng lực cứu hộ động vật hoang dã; lưu giữ bảo quản giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hoá-lịch sử…
Cần có tầm nhìn dài hạn
Phát biểu kết luận cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là quy hoạch bao trùm lãnh thổ đất liền, vùng biển quốc gia nên có liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch đất đai, quy hoạch biển cũng như các quy hoạch ngành nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y tế, thuỷ sản, giao thông vận tải, quốc phòng, an ninh, quy hoạch của địa phương…
Vì vậy, quy hoạch phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không xung đột, chồng chéo với các quy hoạch khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn cần đổi mới phương pháp tiếp cận, quan điểm, tư duy xây dựng quy hoạch. Trong đó xác định chính xác vai trò, vị thế của tài nguyên đa dạng sinh học, phương thức khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm môi trường sống bền vững. Đặc biệt, Quy hoạch phải đánh giá được tác động đến việc phát triển kinh tế-xã hội, và ngược lại.
Nhấn mạnh quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển dựa vào bảo tồn”, Phó Thủ tướng cho rằng quy hoạch cần “vừa tĩnh, vừa động” hoặc “vừa đóng, vừa mở”.
Thứ nhất là nhóm mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp có cơ sở pháp lý chắc chắn, đã được triển khai trên thực tế. Thứ hai là bộ công cụ, tiêu chí mang tính mở, linh hoạt để xác định những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu vực, hệ sinh thái cần bảo tồn, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế, gắn với sinh kế người dân.
Phó Thủ tướng phân tích, nếu bảo tồn chỉ đơn giản là khoanh lại và giữ nguyên thì không phát triển được kinh tế, ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế thì sẽ không thể bảo tồn hiệu quả.
Do vậy, quy hoạch phải hài hoà hai mục tiêu này, trong đó bảo tồn phải thay đổi trước một bước, “đánh thức” giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Đối với các hệ sinh thái như rừng đồng bằng, đất ngập nước ven biển đang bị suy thoái, suy giảm thì phải có công cụ, tiêu chí để xác định, chứng minh giá trị kinh tế, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu cao hơn nhiều so với việc chuyển đổi sang làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm khu công nghiệp… thì mới bảo tồn được”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng cũng gợi mở những định hướng lớn, quan điểm, tư duy mới về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học như: Trong đô thị cũng có thể có các khu bảo tồn như rừng, hồ, đất ngập nước, trong các khu bảo tồn cũng có thể hình thành đô thị, thậm chí trong một toà nhà cũng có thể bảo tồn một hệ sinh thái đầy đủ…
“Có như vậy mới có thể gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển, khai thác dịch vụ xanh, kinh tế xanh, du lịch…, bảo tồn vì nhân sinh, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn mới về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Tại Việt Nam, năm 1995 “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam” được ban hành ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước đa dạng sinh học. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1250/TTg-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2022 là năm đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Để ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014).
Theo đó, đến năm 2020, cả nước có 178 khu bảo tồn (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan) với diện tích 2,66 triệu ha; tại vùng Nam Trung Bộ có 3 hành lang đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thành lập và quản lý với tổng diện tích 298.146 ha; đã phát hiện, ghi nhận 43.500 loại động vật trên cạn và dưới nước; 17.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước (không kể 2.200 loài nấm lớn); số lượng các loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh; bảo tồn được 14.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi…