Nhiều người đã bắt giữ, nuôi nhốt, thậm chí giết hại động vật quý hiếm, đăng tải lên mạng xã hội để mua bán mà không biết đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Hàng nghìn vụ vi phạm
Mới đây, các thành viên trên một hội chuyên nhận diện các loại rắn đã chia sẻ cảnh báo về hiện tượng buôn bán trên mạng các loại rắn hổ mang, rắn quý hiếm đang bảo tồn. Theo cảnh báo, nhiều đối tượng chuyên đi săn, lùng bắt các loại rắn quý hiếm, có nhiều loại trong sách đỏ như hổ mang chúa. Các đối tượng này dùng mạng xã hội để rao bán cá thể rắn sống hoặc đã ngâm rượu với giá cao. Thực trạng này diễn ra không ít trên khắp cả nước.
Không ít người dùng mạng xã hội để buôn bán các loài động vật quý săn được như chim săn mồi trong sách đỏ. Các loại động vật hoang dã như culi, vượn tay dài, rái cá… cũng được rao bán không ít, hướng đến đối tượng mua là những người giàu có, có thú sưu tập các loại sinh vật “lạ” để nuôi trong nhà.
Một số đối tượng dùng mạng xã hội để buôn bán những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, quý hiếm cần bảo tồn như mật gấu, bàn tay gấu, cao hổ, thuốc nọc rắn hổ chúa… Những đối tượng này quảng cáo thổi phồng tác dụng của sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, bán với giá cao. Hành vi này không chỉ giết hại động vật hoang dã mà còn cổ suý, tuyên truyền lệch lạc cho nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bằng những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Một số người còn “vô tư” đăng tải lên mạng cảnh giết hại động vật hoang dã, ăn nhậu, hoặc đăng bán thịt thú rừng như nhím, sóc, nai, hưu…
Theo số liệu từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), riêng 9 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận 2.600 vụ vi phạm về động vật hoang dã, trong đó có đến 52% được phát hiện trên không gian mạng (1.326 vụ). Những hành vi này góp phần gây ra nguy cơ “tận diệt” những sinh vật quý hiếm, cần bảo tồn trong tự nhiên, gây mất cân bằng trong hệ sinh thái, góp phần gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm từ việc lây lan virus từ động vật hoang dã trong thiên nhiên đến con người.
Người bán và mua đều vi phạm pháp luật
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ vi phạm mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng, liên quan đến việc bắt giữ, giết hại, mua bán động vật hoang dã. Như cuối năm 2022, UBND tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Hà Giang đã xử phạt vi phạm hành chính với một số đối tượng có hành vi đăng tải quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định. Các đối tượng này đã dùng Facebook để quảng cáo, rao bán sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác.
Còn tại Kon Tum, Công an huyện Kong Plông đã phát hiện và tịch thu 03 cá thể sóc đen khổng lồ đã chết, 01 cá thể cầy vòi mốc đã chết, 02 móng gấu chó và 02 móng gấu ngựa tại nhà một đối tượng. Đối tượng này bị phạt 13 tháng tù giam. Trước đó đối tượng cũng từng bị xử phạt hơn 86 triệu đồng do liên quan đến hành vi quảng cáo buôn bán động vật hoang dã trên mạng.
Pháp luật đã có quy định rõ ràng, chế tài nghiêm đối với hành vi xâm phạm đến động vật hoang dã. Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 cấm đối với hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật, động vật rừng trái quy định; Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên. Vi phạm đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tùy theo mức độ, giá trị tang vật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức hoặc xử lý hình sự lên tới 3 năm tù giam.
Theo Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Có thể thấy trong luật, ngoài hành vi nuôi nhốt, giết hại, buôn bán vận chuyển thì hành vi tàng trữ động vật hoang dã cũng nằm trong phạm vi xử phạt. Nhiều người vẫn “vô tư” cho rằng chỉ người bán có tội, nhưng theo luật định, cả người mua động vật quý hiếm và các sản phẩm chế biến trái phép từ động vật hoang dã cũng vi phạm pháp luật với mức phạt từ 50 triệu đồng đến 3 năm tù giam.
Trước tình trạng “nhờn luật”, “vô tư” mua bán trái phép động vật hoang dã trên mạng thời gian qua, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có những biện pháp rà soát và xử lý nghiêm cả người bán lẫn người mua để tăng sức răn đe, góp phần dứt điểm các hành vi xâm phạm đến thiên nhiên, vi phạm pháp luật.