Một nghiên cứu mới cho thấy voi đã mất gần 2/3 môi trường sống trên khắp châu Á, hậu quả của hàng trăm năm phá rừng và tăng cường sử dụng đất của con người cho nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Các nhà nghiên cứu cho biết voi châu Á, được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, được tìm thấy ở 13 quốc gia trong lục địa nhưng môi trường sống trong rừng và đồng cỏ của chúng đã bị xói mòn hơn 64% – tương đương với 3,3 triệu km2 đất – kể từ năm 1700.
Nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm trên tạp chí Báo cáo khoa học, tổng hợp công trình của một số chuyên gia do nhà sinh vật học và nhà khoa học bảo tồn Shermin de Silva, giáo sư từ Đại học California, San Diego, đứng đầu.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc mất đi môi trường sống trên quy mô lớn đã làm tăng nguy cơ xung đột giữa voi và con người – một tình huống không thể tránh khỏi và có thể tránh được nếu có kế hoạch phù hợp.
Nghiên cứu cho thấy môi trường sống của voi bị suy giảm nhiều nhất là ở Trung Quốc, nơi 94% diện tích đất phù hợp đã bị mất từ năm 1700 đến năm 2015. Tiếp theo là Ấn Độ, mất 86%.
“Chúng ta cũng cần xem xét làm thế nào những động lực này có thể được duy trì bền vững, với quy mô dân số hiện tại và tương lai cũng như biến đổi khí hậu”, giáo sư Silva cho hay.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng mất môi trường sống của voi từ năm 1700, trùng hợp với việc mở rộng thuộc địa của người châu Âu trong khu vực.
Trong thời gian này, hoạt động khai thác gỗ, làm đường, khai thác tài nguyên và phá rừng diễn ra rầm rộ, đồng thời hoạt động canh tác trở nên khốc liệt hơn trên những vùng đất có thể là nơi sinh sống của động vật hoang dã.
De Silva cho biết cuộc cách mạng công nghiệp đã được theo sau bởi “làn sóng thứ hai” vào giữa thế kỷ trước khiến môi trường sống bị mất đi nhiều hơn.
Ngày nay, con người đang mở rộng hơn nữa vào các không gian hoang dã với các trung tâm dân cư, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khai thác như khai thác mỏ. Và voi ngày càng xung đột với con người.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu quần thể voi hiện tại muốn tồn tại, thì “việc đưa chúng vào môi trường sống ngày càng thu hẹp và cận biên phải được thay thế bằng nỗ lực xác định và kết nối đầy đủ các khu vực có môi trường sống phù hợp”.
Mai Anh (Theo CNN)