Đó là lần đầu tiên tôi được đi rừng một cách đúng nghĩa, lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc trở về với tự do của các loài động vật hoang dã.
Trở lại Cúc Phương với tư cách một người yêu môi trường, tôi may mắn được đi cùng với đoàn của Thương hiệu Menard Việt Nam tham gia vào hoạt động tái thả động vật hoang dã do Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức. Đây là một hoạt động hết sức độc đáo và ý nghĩa, được Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức đã nhiều năm với một cái tên rất thân thương: Về nhà. Những người tham gia tour Về nhà sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khi được trực tiếp chứng kiến hoặc thực hiện quá trình tái thả các loài động vật hoang dã trở lại môi trường tự nhiên…
Lấy cảm hứng từ tựa đề bài thơ của Thi sĩ Xuân Diệu, “Những đôi mắt xanh non” được chọn làm chủ đề của sự kiện lần này. Lý giải về ý nghĩa của tên gọi, bà Lê Thanh Hương – Tổng Giám đốc Menard Việt Nam cho biết: “Mỗi cá thể sinh sống trong môi trường tự nhiên khi sinh ra đều mang một đôi mắt xanh non, màu xanh của sự thanh thuần, màu xanh phản chiếu của những cánh rừng. Nhưng khi bị tác động bởi ngoại cảnh, bởi “đôi mắt” lương tri của con người bị che lấp, những đôi mắt xanh non ấy bị vẩn đục bởi nỗi sợ hãi, hoặc thậm chí có khi vĩnh viễn khép lại… Nỗ lực đồng hành với hoạt động đưa các cá thể động vật hoang dã quay trở về với ngôi nhà đại ngàn của mình, cũng là nỗ lực của chúng tôi để bảo vệ những đôi mắt xanh non ấy!”.
Điều đầu tiên gây ấn tượng với tôi khi tham gia sự kiện chính là việc Menard Việt Nam dành rất nhiều sự quan tâm tới môi trường, đặc biệt là các loài động vật hoang dã. Từng con người, từ lãnh đạo đến nhân viên, tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu động vật thể hiện qua từng hành động của họ khiến tôi nhớ mãi. Một điều tôi luôn thắc mắc, tại sao sự kiện ý nghĩa và đặc biệt như thế này lại không có đông đảo đội ngũ những người đưa tin? Câu trả lời sau đó của đại diện thương hiệu đã khiến tôi ấn tượng. Chị chia sẻ, việc tái thả động vật hoang dã không phải là việc để “đánh bóng” tên tuổi hay quảng cáo thương hiệu. Do phải chịu rất nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần nên tâm lý các bé động vật chưa ổn định, dễ bị hoảng sợ. Các chuyên gia và cán bộ Vườn đã rất nỗ lực để điều trị cho các bé, tập cho các bé việc thích nghi với môi trường sống hoang dã, do đó, việc tái thả cần đảm bảo hạn chế tối đa sự có mặt của con người và các thiết bị máy móc để các bé có thể yên tâm hòa nhập với môi trường sống tự nhiên.
Theo kế hoạch, đoàn chúng tôi sẽ tiến hành thả 6 cá thể công má vàng, 2 cá thể cầy vòi mốc, 2 cá thể chồn bạc má, 2 cá thể rùa sa nhân, 2 cá thể mèo rừng. Trong chuyến đi, Ông Lê Trọng Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật của Vườn quốc gia Cúc Phương chia sẻ với chúng tôi về quá trình chăm sóc các bé, trong đó, các cá thể được tái thả hầu hết là động vật hoang dã trong các vụ tịch thu từ hoạt động săn bắt, buôn bán và nuôi nhốt trái pháp luật. Khi mới đến Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn của Vườn, tình trạng sức khỏe của hầu hết các bé rất tồi tệ. Chúng bị thương tổn cả về mặt thể chất như bị mất chi, nhiễm các loại bệnh và ký sinh trùng… và cả về mặt tinh thần do phải trải qua một quá trình bị săn bắt, ngược đãi và giam cầm trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh và thiếu dinh dưỡng.
Hành trình đưa động vật hoang dã về với môi trường sống tự nhiên không đơn giản như tôi nghĩ. Do trời mưa dài ngày nên hôm đó, côn trùng, muỗi, đặc biệt là vắt bủa ra rất nhiều. Nhiều người trong đoàn bị vắt bám vào chân, hút máu. Vốn quen với cuộc sống ở thành phố, tôi chưa từng thấy nhiều loài côn trùng đến thế. Có một chút cảm giác rùng mình khi tôi đối diện với những loài côn trùng đó. Cảm giác sợ hãi càng nhiều hơn khi tôi được biết: sẽ phải đi sâu vào rừng 50m tính từ trục đường chính để thả các cá thể hoang dã.
Nhóm của chúng tôi được phân công thả 2 cá thể chồn bạc má. Quãng đường 50m tưởng chừng ngắn nhưng đối với tôi, nó như dài vô tận. Mặc dù mỗi nhóm có từ 4 – 5 người, các cán bộ Vườn sẽ đi trước mở lối dẫn đường, những thành viên trong nhóm theo sau, tôi vẫn cảm thấy bất an khi phải đi vào sâu trong rừng như vậy. Những cành cây, tán lá quệt vào người, tiếng vo ve của côn trùng, tiếng vỡ vụn của những cành cây gãy… những chi tiết nhỏ ấy đều khiến tôi lo sợ, cảm giác như tôi đang tham gia vào một bộ phim phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến giây phút trở về với tự do của các em chồn bạc má, một cảm giác xúc động đến khó tả dâng lên trong tôi khiến tôi quên hết sợ hãi, thay vào đó là ngập tràn cảm xúc của sự tự do, sự diệu kỳ của thiên nhiên. Trong phút chốc, những đôi mắt nhỏ của các bé như ánh lên màu xanh của hy vọng, của niềm vui và phản chiếu hình ảnh của ngôi nhà thân thương Cúc Phương. Khi nhớ về những điều đã trao đổi với đại diện Menard Việt Nam lúc trước, tôi tự hỏi, những đôi mắt mang màu xanh thẳm đó đã phải chứng kiến và trải qua những gì, các em đã phải chịu đựng những điều khủng khiếp như thế nào…
Giờ đây, khi được trở về với ngôi nhà rừng già Cúc Phương, các em có thể thỏa thích chạy nhảy, sống đúng với bản năng tự nhiên của mình, tôi thầm mừng cho các em và cảm thấy biết ơn các cán bộ Vườn, các chuyên gia đã dành thời gian và tâm huyết chăm sóc các em. Có một niềm phấn khởi chợt trào dâng trong tôi, tôi tin rằng với sự tận tâm của những người yêu thiên nhiên, sẽ ngày càng có nhiều bé động vật được trở về nhà… Hy vọng, những đôi mắt xanh non với cuộc sống xanh non đó… sẽ mãi mãi tươi giòn.