Những năm qua, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm; nghiêm cấm các hoạt động săn bắt các nguồn gen và động vật hoang dã; phục hồi các diện tích rừng, góp phần mở rộng môi trường sống cho các loài động, thực vật hoang dã.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Điện Biên đã lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Diện tích rừng phần nào đã được bảo vệ, chất lượng rừng ở nhiều nơi đang tăng lên; nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị cao được bảo vệ.
Tỉnh Điện Biên có hệ động, thực vật rừng đa dạng, phong phú, với nhiều loài quý, hiếm. Hệ thực vật rừng: có 948 loài, cây gỗ là 279 loài (chiếm 29,4% tổng số các loài), với 41 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ – IUCN. Trong đó, có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: Lát, Chò chỉ, Nghiến, Táu, Pơ mu, Thông tre, Sao mặt quỷ, Trầm hương…
Hệ sinh thái cây bụi, tre nứa có thành phần loài thực vật khá phong phú, với 405 loài, trong đó có 3 loài quý hiếm là Kim cang nhiều tán, Kim cang petelo và Hà thủ ô đỏ. Hệ sinh thái trảng cỏ có 259 loài, ở dạng thứ sinh hình thành sau cháy rừng, đốt nương rẫy hoặc đốt các trảng cỏ vào mùa khô, các loài cỏ chính đều thuộc họ Hòa thảo như Cỏ tranh, Lau, Trấu, Đót…
Bên cạnh đó, hệ động vật cũng đa dạng, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 loài động vật có xương sống, trong đó có 61 loài thú, 270 loài chim, 27 loài động vật lưỡng cư, 25 loài bò sát, 50 loài cá đang sinh sống. Có nhiều động vật quý hiếm, có thể kể đến các loài như Công, Hổ, Báo, Báo lửa, Bò tót, Gà lôi trắng, Cheo, Thỏ, Hoẵng…
Ông Diệp Văn Chính – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có hệ sinh thái phong phú được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao. Tại đây đã có 27 bộ; 95 họ và 133 loài động vật rừng. Trong đó có 55 loài động vật rừng quý hiếm như: Gấu chó, Gấu ngựa, Vượn bạc má, Vọoc, các loài Khỉ, Công, Niệc cổ hung… Về chim và bò sát: có tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ đã được ghi nhận; trong đó có 2 loài được ghi nhận trong Sách đỏ IUCN 2009 gồm: Bồng chanh rừng và Sẻ đồng ngực vàng. Ngoài ra, 2 loài có mặt trong Sách đỏ Việt Nam, 2007 cũng đã được ghi nhận gồm: Gà lôi trắng và Mỏ rộng xanh.
Thời gian tới, Điện Biên chú trọng tăng cường công tác truyền thông, hướng tới thay đổi nhận thức và hành vi nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học, mô hình giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, thúc đẩy tiêu dùng bền vững có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm soát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học, hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nước mặt, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.