Một dấu chấm hỏi về khả năng hiện thực hóa tỉ lệ tái chế bắt buộc theo các quy định EPR được bắt đầu vào đầu năm 2024.
8:30 tối, 3 cô bé 10 tuổi, 6 tuổi và 3 tuổi của Thanh Thúy dừng chơi đùa, ngồi ngay ngắn trên ghế hút những hộp sữa tươi có những thương hiệu khác nhau vừa được mẹ phát. Ngay sau tiếng rột rột báo hiệu những hộp sữa đã hết, các cô bé ngay lập tức bỏ vỏ hộp vào sọt rác để tiếp tục vài phút chơi trước khi vệ sinh cá nhân để chuẩn bị lên giường ngủ. Cho các con uống sữa tươi từ năm 1 tuổi, Thúy chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giữ lại vỏ hộp sữa cho mục đích thu gom tái chế, cho dù cô đang làm việc tại một trong những nhà máy sữa lớn nhất Việt Nam từ trước khi các con cô sinh ra.
Tại khu phố nơi Thúy sinh sống, ở rìa Đông Nam TP.HCM giáp với Bình Dương, hoàn toàn không cần phân loại rác thải, tất cả đều được chất lên chiếc xe ba gác thường ghé qua vào đúng giữa trưa. Điều đó khiến cô suy nghĩ khi được hỏi về khả năng hiện thực hóa tỉ lệ tái chế bắt buộc theo những quy định EPR (trách nhiệm doanh nghiệp mở rộng) sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2024.
EPR được hiểu là doanh nghiệp có trách nhiệm đối với bao bì sản phẩm hoặc sản phẩm sau khi được sử dụng, bằng cách tự tái chế hoặc đóng góp tài chính cho một tổ chức trung gian thực hiện việc thu gom tái chế thay cho họ. Lần đầu tiên được tổ chức OECD công bố từ năm 1994, EPR đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2005 theo mô hình tự nguyện. Khi ấy, các công ty được coi là hoàn thành trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ khi thiết lập các điểm thu hồi và công bố điều kiện thu hồi. Tuy vậy, trong thực tế, mô hình EPR tự nguyện này đã không phát huy được tác dụng, rất ít sản phẩm được thu hồi, tái chế, cơ chế tài chính cho việc xử lý sản phẩm sau sử dụng cũng không rõ ràng. Vì vậy, một mô hình EPR bắt buộc được xem là phù hợp để hướng đến kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm phát thải carbon.
Tỉ lệ tái chế bắt buộc được điều chỉnh mỗi 3 năm theo hướng tăng dần, ở mức cao nhất 22% áp dụng đối với bao bì nhôm, chai nhựa PET và thấp nhất ở mức 0,5% đối với phương tiện giao thông. Tỉ lệ tái chế trên chỉ bằng 1/3 tỉ lệ tại các quốc gia châu Âu cách đây 30-40 năm và chỉ bằng 1/5 tỉ lệ tái chế với phương tiện giao thông ở châu Âu vào thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR.
Một trong những chương trình thu mua và tái chế bao bì đáng chú ý đã được Tetra Pak thí điểm trong nửa năm, bắt đầu từ tháng 8/2022. Đặt mục tiêu thu mua và tái chế 3.000 tấn vỏ hộp giấy, chương trình hướng đến việc xây dựng nhận thức và khuyến khích những người thu gom phế liệu, thu gom vỏ hộp giấy tại nguồn. Thông qua việc hợp tác với VECA, ứng dụng mua ve chai, họ kỳ vọng sẽ giúp “hình thành một văn hóa tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng trong cộng đồng dân cư”, bà Lương Thanh Thư, Giám đốc Phát triển bền vững của Tetra Pak Việt Nam, bày tỏ trong công bố thông tin về chương trình thí điểm. Tính đến tháng 3/2023, khối lượng vỏ hộp giấy thu qua app Veca trong dân là 6,4 tấn (qua các nguồn khác thì tổng cộng khoảng 130 tấn).
Trong năm 2022, Tetra Pak đã hợp tác với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) và tổ chức Circular Action để triển khai thí điểm mô hình thu mua vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại TP.HCM, từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, với mục tiêu thu mua và tái chế hoàn toàn 3.000 tấn vỏ hộp giấy thành những sản phẩm hữu ích như bìa giấy nguyên liệu và mái lợp sinh thái. Bên cạnh đó, Công ty cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác, đặc biệt là những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ như Aeon Mall, MM Mega Market để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy công cộng, đưa tổng số điểm thu gom vỏ hộp giấy lên đến 76 điểm trên toàn quốc.
Đã tham gia góp ý vào dự thảo EPR với tư cách là thành viên của EuroCharm, ông Erick Contreras, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam, bình luận với NCĐT rằng việc theo đuổi tỉ lệ tái chế tại Việt Nam hiện nay rất khó. Người tiêu dùng không có manh mối nào về tỉ lệ doanh nghiệp đã tái chế là bao nhiêu, trong khi nếu thay bằng con số về tỉ lệ thành phần tái chế trong sản phẩm hay bao bì sẽ dễ nhận biết và dễ đánh giá hơn.
Dưới góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Dạ Quyên, đồng sáng lập kiêm CEO Lại Đây Refill Station, nhận xét cả 2 tiêu chí kể trên về tỉ lệ tái chế đều quan trọng như nhau, không thể đánh giá cái nào có độ tin cậy cao hơn cái nào. Tuy vậy, bà Quyên cho rằng việc áp dụng tỉ lệ vật liệu tái chế trong sản phẩm có thể dễ dàng hơn và thực hiện được nhanh chóng hơn so với việc tái chế sản phẩm, bởi vì việc tái chế yêu cầu quá trình phân loại và xử lý rác thải phức tạp. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tái chế cần đảm bảo chất lượng và an toàn.
“EPR có thể trở thành một công cụ hữu ích”, bà Quyên nói về khả năng sử dụng EPR để quản lý và giảm thiểu tác động của sản xuất đến môi trường và sức khỏe con người. Vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi chính sách, bao gồm nhà sản xuất thiếu nhận thức hay không đủ năng lực, thu gom và quản lý chất thải khó khăn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế hạn chế. Một khảo sát được Kantar thực hiện vào năm 2019 tiết lộ phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam sẵn sàng trả nhiều hơn đến 10% cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cuối năm 2022, khi trả lời báo giới, Giám đốc Phát triển bền vững Lê Anh của Duy Tân Plastic Recycling, doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất nhựa có thể tái chế nhiều lần, cho biết họ đang làm việc với nhiều công ty FMCG để khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế. Dưới quan sát của Lê Anh, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài xem hoạt động này phù hợp với xu hướng toàn cầu và rất ủng hộ, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn còn lưỡng lự.
“EPR có thể thực thi được khoảng 50-80%”, ông Erick nhận xét “có thể sẽ còn vài lần sửa đổi nữa trong 10 năm tới”. Có chính sách đúng, nhưng câu hỏi muôn thuở vẫn là mức độ thực thi sẽ đến đâu.