Thị trường carbon: Tiềm năng và triển vọng của Việt Nam

Lời giới thiệu

Đến nay, thế giới đã cơ bản thống nhất nhận thức chung về sự cấp thiết phải hành động để phòng tránh một cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, sau rất nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới, khí hậu toàn cầu vẫn đang diễn biến nguy hiểm. Báo cáo gần đây của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy lượng phát thải khí nhà kính (KNK) vẫn đang gia tăng trên tất cả các lĩnh vực chính trên toàn cầu, dù với tốc độ chậm hơn trước. Các nhà khoa học cảnh báo ngưỡng nhiệt độ tăng thêm 2°C sẽ bị vượt qua trong thế kỷ 21 trừ khi tất cả các quốc gia đồng lòng để đạt được mức giảm sâu phát thải KNK từ thời điểm này.

Ảnh minh họa: PanNature

Các giải pháp giảm phát thải đáp ứng yêu cầu giảm sâu lượng KNK đòi hỏi mức độ đầu tư lớn và hiệu quả. Theo ước tính, các nước đang phát triển cần đến 6 nghìn tỉ USD để hoàn thành một nửa các mục tiêu đặt ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo IPCC, cho đến nay chưa có quốc gia nào đáp ứng được nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu. Thách thức đặt ra hiện nay là giải quyết nhu cầu tài chính biến đổi khí hậu để đảm bảo hành tinh chúng ta không bị rơi vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Thị trường carbon đang được xem là một trong những giải pháp cho thách thức này.

Thỏa thuận Paris, được thông qua tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2015, tạo tiền đề cho cơ chế thị trường carbon tại Điều 6. Cho đến nay, thế giới đã đạt được nhiều đồng thuận về các quy trình và phương thức để tiếp cận thị trường carbon. Nhiều quốc gia đã và đang xúc tiến xây dựng thị trường này để tạo nguồn tài chính cho các hành động giảm phát thải KNK. Tuy nhiên, lộ trình này ở cấp độ quốc gia cũng như toàn cầu đang gặp nhiều thách thức khác nhau.

Việt Nam cũng đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Việt Nam hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Trong đó, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho hơn 25 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng. Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng của chúng ta hấp thụ trung bình khoảng 69,8 triệu tấn carbon (CO2). Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại một nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Bản tin Chính sách số 33 thảo luận các khía cạnh khác nhau liên quan đến việc xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam, trong đó bao gồm thị trường carbon rừng. Chúng tôi hy vọng các thảo luận và khuyến nghị chính sách sẽ đóng góp một cách có ý nghĩa cho quá trình xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam, hướng đến mục tiêu mở ra một dòng tài chính mới phục vụ mục tiêu giảm phát thải KNK, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Thị trường carbon: Tiềm năng và triển vọng của Việt Nam

Bài 1: Quyền carbon trong phát triển sạch

Bài 2: Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị

Bài 3: Định hình thị trường carbon tại Việt Nam

Bài 4: Tín chỉ carbon rừng: Tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam

Bài 5: Định giá carbon và các công cụ định giá carbon

Bài 6: Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam

Bài 7: Sản xuất cao su bền vững hướng tới phát thải thấp

Nguồn: