Lượng khí thải CO2 từ các vụ cháy rừng ở Bắc bán cầu đã gia tăng đáng kể trong 20 năm qua, trong đó lên mức cao kỷ lục vào năm 2021.
Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng ở Bắc bán cầu đã gia tăng đáng kể trong 20 năm qua, trong đó lên mức cao kỷ lục vào năm 2021. Đó là kết luận khoa học được các chuyên gia quốc tế công bố trên tạp chí Science số ra mới đây.
Theo báo cáo nghiên cứu trên, sự gia tăng này một phần là do các đợt hạn hán khắc nghiệt, dẫn đến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, ở các vĩ độ trung bình cao của Bắc bán cầu. Trong khi đó, cháy rừng tại Bắc bán cầu thường ít được chú ý hơn so với những vụ cháy tại các khu rừng nhiệt đới.
Hiện tượng cháy rừng được xác định là những đám cháy xảy ra ở các vùng đất thiên nhiên như rừng và đồng cỏ. Hiện tượng này góp một phần lớn trong chu trình carbon toàn cầu.
Các vụ cháy rừng nghiêm trọng gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người và khí hậu toàn cầu, hủy hoại các hệ sinh thái và giải phóng các chất gây ô nhiễm và khí nhà kính ra môi trường.
Các nhà khoa học quốc tế đã phát triển một hệ thống nghịch chuyển khí quyển dựa trên vệ tinh để theo dõi lượng khí thải phát sinh từ cháy rừng ở Bắc bán cầu trong giai đoạn 2000-2021. Kết quả cho thấy khí thải CO2 đã gia tăng tại đây trong suốt thời gian này.
Theo báo cáo nghiên cứu, các vụ cháy rừng tại Bắc bán cầu thải ra 23% tổng lượng khí thải CO2 từ các vụ cháy xảy ra trên toàn cầu vào năm 2021, trong khi tỷ lệ này thường chỉ là 10% ở thời điểm 20 năm về trước.
Chuyên gia Zheng Bo – trưởng nhóm nghiên cứu trường Cao học quốc tế Thanh Hoa Thâm Quyến (Trung Quốc) – cho biết khi tình trạng đất thiếu nước gia tăng, các vụ cháy rừng bắt đầu lan tới các khu rừng phương Bắc ở vĩ độ cao, vốn trước đây ít xảy ra cháy.
Ông cũng lưu ý rằng các đám cháy đặc biệt thường xảy ra ở những khu vực có độ che phủ rừng cao trong khoảng từ 60 đến 70 độ vĩ Bắc, nơi lượng khí thải carbon từ cháy rừng vào năm 2021 đã tăng hơn gấp 3 lần so với mức trung bình từ năm 2000 đến năm 2020, trong khi mức tăng ở những khu vực gần 50 độ vĩ Bắc là 70%.
Chuyên gia Zheng Bo cho biết: “Đất tại các khu rừng phương Bắc rất giàu carbon hữu cơ. Thảm thực vật và đất hữu cơ bị đốt cháy giải phóng một lượng lớn carbon, đe dọa nghiêm trọng đến chức năng hấp thụ carbon của khu vực này.”
Nhóm nghiên cứu của ông đã tập trung nghiên cứu khí hậu toàn cầu và lượng khí thải carbon từ các vụ cháy rừng trong nhiều năm.
Hệ thống giám sát CO2 mà các nhóm nghiên cứu phát triển khác với hệ thống thông thường. Hệ thống này nghịch chuyển một cách sáng tạo lượng khí thải carbon sinh ra từ cháy rừng thông qua nồng độ carbon monoxide (CO) dựa trên dữ liệu viễn thám vệ tinh, thay vì theo dõi trực tiếp lượng CO2.
Theo ông Zheng, CO2 trong khí quyển có nồng độ nền tương đối cao, do được tích lũy trong thời gian dài. Do đó, sẽ khó khăn cho việc theo dõi chính xác các vụ cháy rừng dựa trên lượng khí thải CO2.
Ngược lại, CO2 từ cháy rừng hoạt động mạnh hơn và có nồng độ nền thấp hơn. Điều này giúp các vệ tinh có thể giám sát một cách rõ ràng hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy diện tích cháy rừng toàn cầu giảm mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, lượng khí thải carbon từ các vụ cháy rừng hầu như không thay đổi. Phát hiện này đã từng được công bố trên tạp chí Science Advances vào năm 2021.
Theo nghiên cứu, sự suy giảm diện tích cháy rừng chủ yếu xảy ra ở đồng cỏ, trong khi ở rừng – nơi tạo thành nguồn CO2 trên một đơn vị lớn hơn nhiều – diện tích bị đốt cháy lại có xu hướng tăng lên.
Ông Zheng cho biết: “Vì vậy, chúng tôi đã nỗ lực tìm ra những khu rừng mà ở đó có diện tích cháy đang gia tăng và đây là cơ sở cho những phát hiện khoa học mới nhất của chúng tôi”.