Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông khuyến cáo người dân chủ động che chắn cây sâm đề phòng mưa đá mưa đá và sương muối; sẵn sàng các biện pháp di dời sâm từ các vùng trũng lên các vùng cao để tránh ngập.
Do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, thời gian qua, tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã xuất hiện nhiều trận mưa đá.
Để tránh lặp lại thiệt hại cho sâm Ngọc linh do mưa đá gây ra như năm 2022, Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông và ngành nông nghiệp đã chủ động khuyến cáo người trồng sâm Ngọc Linh ứng phó với thời tiết cực đoan, bảo vệ vườn cây.
Theo đó, từ giữa tháng 3/2023 đến nay, trên địa bàn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông đã xuất hiện 5 trận mưa đá.
Qua kiểm tra thực tế tại các vườn sâm, ngành nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông ghi nhận đã có tình trạng mưa đá ảnh hưởng trực tiếp đến cây sâm; một số diện tích sâm giá thể bị ngập đá.
Người dân địa phương đã thực hiện một số giải pháp tạm thời như che chắn, đưa sâm ra khỏi khu vực bị ngập đá để giảm thiểu ảnh hưởng.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông khuyến cáo, để ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan, người dân cần chủ động che chắn cây sâm, không để mưa đá gây ảnh hưởng đến mầm và hạt sâm; chuẩn bị các biện pháp để di dời sâm từ các vùng trũng lên các vùng cao hơn để tránh ngập.
Bên cạnh đó, cần chú ý, sử dụng thuốc sinh học xử lý bệnh hại trên cây sâm, bởi trong nước mưa có nguy cơ mang theo một số mầm bệnh nguy hiểm.
Theo thống kê, hiện tỉnh Kon Tum có trên 1.700ha sâm Ngọc Linh; trong đó, người dân tự trồng khoảng 70ha, phần lớn diện tích còn lại là của các doanh nghiệp. Hiện, mỗi cây sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi có giá bán khoảng 300.000 đồng.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa và sương muối, hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh trồng tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei bị chết.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã tiến hành khoanh nợ cho 97 khoản vay với số tiền trên 4,6 tỷ đồng; xóa nợ 12 món vay với số tiền hơn 430 triệu đồng, giúp bà con có điều kiện tái khôi phục diện tích sâm Ngọc Linh.