Nếu đã từng đến Tây Nguyên, “thủ đô” của lâm nghiệp, theo như cách nói của một vị nguyên Thứ trưởng NN&PTNT, bạn có thể sẽ chứng kiến những cảnh người dân địa phương với chiếc gùi trên lưng lầm lũi đi trên đường chiều bên những cánh rừng.
Rừng xanh tươi bạt ngàn bảo vệ môi trường, nhưng một số phận người gắn bó với rừng thì khổ cực. Như những ca từ ám ảnh “cha đi lượm từng hạt thóc cho con một bữa cơm chiều” trong ca khúc “Đôi chân trần” nổi tiếng của một nhạc sĩ Tây Nguyên, nói về cuộc đời khốn khó của những người cha “ngày tháng đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây”.
Đó cũng là vấn đề mà lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đặt ra tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng” tổ chức mới đây tại Đắk Lắk. Ông nhận định Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ rừng, nhưng thực tế một số chính sách, chủ trương chưa thực sự đảm bảo cuộc sống cho người dân, lực lượng quản lý rừng. Thậm chí một số ý kiến cho rằng, với thực trạng như hiện nay, rừng đang là “gánh nặng” cho địa phương.
Tại Hội thảo, đại diện UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông có diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn với 293.093ha, chiếm 45% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Rừng Đắk Nông có tính đa dạng sinh học cao, nhiều động, thực vật quý hiếm và nhiều cảnh quan đẹp… Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư vào hoạt động nông, lâm nghiệp; các hoạt động kinh tế rừng mới ở giai đoạn sơ khai bước đầu, kết quả đạt được chưa rõ nét… Tỉnh đề nghị Trung ương cần điều chỉnh chế độ chính sách cho nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng; đề nghị nghiên cứu tạo điều kiện cho rất nhiều nông dân Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ phát triển rừng.
Số liệu do một vị nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói tại hội nghị, cho cái nhìn toàn cảnh hơn, đáng suy nghĩ hơn. Ông cho rằng sau năm 1975, Tây Nguyên là “thủ đô” của lâm nghiệp, với 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ toàn vùng 70%. Sau nhiều thập kỷ, diện tích rừng ở đây chỉ còn khoảng 2,1 triệu ha. Trong đó, gần 10% là diện tích rừng giàu, phân bố ở 6 vườn quốc gia và các rừng phòng hộ; còn lại là rừng nghèo kiệt.
Từ 1976 đến 2005, mỗi năm Tây Nguyên để mất khoảng 34.000ha rừng tự nhiên. Sau Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, tình trạng phá rừng giảm nhưng cũng mất 25.000 ha/năm. Từ đó, ông đề xuất Trung ương có chính sách với hơn 300.000ha đất lâm nghiệp trước đây bị nông dân lấn chiếm trái phép (thực tế người dân sinh sống ổn định tại đây suốt thời gian dài); giải quyết dứt điểm với đất đã giao khoán; xem xét công nhận một số loài cây lâu năm, cây lấy gỗ vào mục tiêu là cây rừng.
Cha ông ta đã nói “có thực mới vực được đạo”. Để rừng xanh tươi, thì cần tăng hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp; có thêm những định hướng phù hợp, chính sách hỗ trợ; mục đích để đời sống những nông dân sống bên rừng, những người giữ rừng, ngày càng ấm no hơn nữa. Muốn bảo vệ, phát triển rừng; một trong những việc cần làm trước tiên là làm sao để nông dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng.