Tín ngưỡng thờ rồng, biểu trưng cho nguồn nước đã trở thành văn hóa dân gian đặc sắc của người Pa Dí ở Lào Cai.
Tín ngưỡng thờ thần rồng, biểu trưng cho nguồn nước, yếu tố nuôi dưỡng sự sống của con người còn được thể hiện qua cách phục sức trên y phục nữ người Pa Dí. Chiếc đai “hàng khấu tỉnh” là một miếng vải hình tam giác cân, mỗi cạnh dài 9 cm. Chân miếng vải được khâu vào phần trên của cạp tạp dề. Để trang trí cho miếng đai và chân đai thêm đẹp, người Pa Dí dùng chỉ màu tạo thành đường viền bọc các mép của chiếc đai.
Tấm thân rồng màu chỉ xanh nhạt, chân và đuôi cùng màu, riêng móng rồng được thêu bằng chỉ trắng viền quanh khắp thân và miệng rồng. Trên lưng con rồng có 5 vây rồng được thêu bằng 5 màu chỉ khác nhau thành các cặp đối xứng: Màu vàng – trắng, đỏ tươi – trắng, tím – trắng, nâu – trắng, xanh nhạt – trắng. Chân sau của rồng màu xanh nhạt, chân trước của con rồng được thêu bằng màu chỉ đỏ đang chạm vào thân chiếc lư hương ở giữa.
Tín ngưỡng thờ cặp rồng thần mang ý nghĩa cân bằng âm dương. Con rồng đực quỳ phục ở bên phải và con rồng cái quỳ ở bên trái. Biểu tượng con rồng ở trên miếng vải đính nối với cạp và dây tạp dề được thể hiện một cách rất cầu kỳ và người Pa Dí khéo tay để dùng chỉ thêu liên kết, xâu chuỗi lại với nhau tạo thành một tổng thể thống nhất, hình con rồng rất đẹp và đều nhau, từ khuôn mẫu đến bố cục, màu sắc.
Tín ngưỡng thờ thần rừng, thờ nguồn nước, bảo vệ sinh thái môi trường thể hiện qua tín ngưỡng thờ rồng luôn được người Pa Dí luôn thành kính tôn thờ trong nhiều năm, nhiều đời qua. Người Pa Dí đã hình thành và đúc kết thành tri thức dân gian ứng xử hài hòa và tôn trọng tự nhiên, tôn thờ các vị thần (thần rừng, thần nước).
Với ước nguyện của người dân cầu mong một nguồn nước luôn dồi dào, người dân luôn được bình an, mạnh khỏe, gà vịt đầy chuồng, cây trồng tốt tươi, thóc lúa đầy nhà thể hiện tâm nguyện bình dị của cư dân nông nghiệp lúa nước.