Theo IEA, năng lực sản xuất toàn cầu đối với các công nghệ năng lượng sạch có thể vượt quá nhu cầu ngắn hạn.
Khi xem xét nơi sản xuất công nghệ năng lượng sạch và các linh kiện, vật liệu của ngành, có một điều rất rõ ràng: Trung Quốc đang thống trị thị trường.
Quốc gia này, cùng với phần còn lại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiếm khoảng 75% sản lượng sản xuất 7 công nghệ năng lượng sạch trên toàn cầu.
Dựa trên báo cáo Triển vọng Công nghệ Năng lượng năm 2023 của IEA, biểu đồ bên dưới cho thấy năng lực sản xuất toàn cầu theo khu vực, đối với các công nghệ năng lượng sạch được sản xuất hàng loạt, bao gồm điện gió trên bờ và ngoài khơi, hệ thống quang điện mặt trời (PV), xe điện (EV), xe tải chạy bằng pin nhiên liệu, máy bơm nhiệt và máy điện phân.
Tình trạng năng lực sản xuất toàn cầu
Năng lực sản xuất đề cập đến số lượng hàng hóa hoặc sản phẩm tối đa mà một cơ sở có thể sản xuất trong một khoảng thời gian cụ thể, được xác định bởi một số yếu tố, bao gồm:
– Quy mô cơ sở sản xuất.
– Số lượng máy móc hoặc dây chuyền sản xuất hiện có.
– Trình độ tay nghề của lực lượng lao động.
– Sự sẵn có của nguyên vật liệu.
Theo IEA, năng lực sản xuất toàn cầu đối với các công nghệ năng lượng sạch có thể vượt quá nhu cầu ngắn hạn. Điều này đặc biệt đúng đối với pin EV, xe tải chạy bằng pin nhiên liệu và máy điện phân. Ví dụ: trong khi chỉ có 900 xe tải chạy bằng pin nhiên liệu được bán trên toàn cầu vào năm 2021, tổng công suất do các nhà sản xuất tự báo cáo là 14.000 xe tải .
Tuy nhiên, vẫn cần phải tăng đáng kể năng lực sản xuất trong những thập kỷ tới để theo kịp kịch bản phát thải ròng bằng 0 của IEA vào năm 2050. Những phát triển như vậy đòi hỏi đầu tư vào thiết bị và công nghệ mới, phát triển lực lượng lao động năng lượng sạch, tiếp cận với nguyên liệu thô và tinh chế, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả.
Điều gì mang lại cho Trung Quốc lợi thế?
Trong số các công nghệ năng lượng sạch và các linh kiện kể trên, Trung Quốc chiếm trung bình 65% năng lực sản xuất toàn cầu. Đối với một số thành phần nhất định, như tấm pin năng lượng mặt trời, tỉ lệ này cao tới 96% .
Vậy điều gì đang mang lại cho Trung Quốc lợi thế này trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch?. Theo báo cáo của IEA, câu trả lời nằm ở sự kết hợp của các yếu tố:
– Chi phí sản xuất thấp.
– Sự thống trị trong chế biến kim loại năng lượng sạch, cụ thể là coban, lithium và đất hiếm.
– Chính sách đầu tư & hỗ trợ bền vững.
Sự kết hợp của các yếu tố này đã cho phép Trung Quốc chiếm được thị phần đáng kể trên thị trường toàn cầu đồng thời giảm thiểu chi phí về công nghệ sạch trên toàn thế giới. Khi thị trường ngày càng chú trọng các giải pháp giảm phát thải, sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này có thể sẽ tiếp tục trong những năm tới và có ý nghĩa đáng chú ý đối với bối cảnh phát thải và năng lượng toàn cầu.