Trong những năm qua, tỉ lệ che phủ rừng, trồng rừng thay thế ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk khá thấp. Thực trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, cơ quan chức năng tỉnh đang xem xét kiến nghị trung ương thay đổi một số chính sách hiện hành để cải thiện tình hình.
Xử lý hàng loạt vụ vi phạm
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Tỉnh đang có 501.206 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha) và 232.423 ha đất chưa có rừng. Độ che phủ rừng chỉ đạt 38,35 %.
Diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh hầu hết đang được giao cho các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Công ty TNHH lâm nghiệp… Còn lại một số diện tích chưa có chủ, hiện do UBND cấp xã quản lý.
Trong giai đoạn 2019 – 2022, công tác phát triển rừng trên địa bàn được tích cực triển khai, toàn tỉnh đã trồng được là 10.778,8 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 153,2 ha, trồng rừng sản xuất 10.625,6 ha.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk: Trong 3 năm qua, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, tiếp nhận xử lý 5.142 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, xử lý hành chính 5.058 vụ, xử lý hình sự 84 vụ kết hợp tịch thu 2.033 phương tiện, máy móc, công cụ và 3.902 m3 gỗ các loại… Số tiền thu sau xử lý hơn 48 tỉ đồng.
Cần cải thiện năng suất trồng rừng
Giải thích về nguyên nhân tỉ lệ che phủ rừng ở địa phương còn thấp, ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk – nhận định: Sở dĩ, tỉ lệ che phủ rừng ở địa phương thấp, thậm chí còn giảm một phần là do số liệu kiểm kê chưa chuẩn xác, con số báo cáo có sự chênh lệch nhất định. Thực tế, trong 5 năm qua, trên địa bàn, phần diện tích trồng rừng mới mỗi năm chỉ đạt khoảng 500ha. Phần còn lại là trồng rừng trên diện tích mới khai thác.
Để tăng tỉ lệ che phủ rừng thì kiên quyết phải trồng rừng mới thay thế. Tuy nhiên, dù đơn vị đã xây dựng đề án, kế hoạch để đầu tư phát triển rừng gửi UBND tỉnh cho chủ trương nhưng phía Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư không chấp thuận, chỉ giữ nguyên mức cũ là 300.000 đồng/ha (nếu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là các công ty lâm nghiệp hay những ban quản lý). Còn đối với cấp xã chỉ ở mức 100.000 đồng/ha.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, tăng định mức đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng lên 70 triệu/ha trở lên và hỗ trợ trồng rừng sản xuất hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha trở lên để thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng.
Ngoài ra, trung ương cần sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng…
UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất mục đích gỗ lớn, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn. Các đơn vị chủ rừng chủ động rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán.