Đảo Bam nhỏ bé trên sông Han nằm giữa thủ đô Seoul được gọi là “Tràm chim” của Hàn Quốc, bởi là nơi ở tự nhiên cho các loài chim di trú.
Đảo Bam dài 1,3km và rộng 300m, được quốc tế công nhận là một hệ sinh thái đóng phần quan trọng trong việc đón nhận các loài chim trốn đông.
Đảo Bam được chính quyền Seoul bảo vệ từ năm 1999, sau khi công nhận giá trị của một hệ sinh thải chất lượng. Đảo Bam cũng được Công ước Liên Hợp Quốc về vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar) công nhận là một khu Ramsar hồi năm 2012.
Vì thế, khu Ramsar này hạn chế người đến, ngoại trừ những nhân viên giám sát 2 lượt/ngày và những người được phép đến thực hiện các nghiên cứu.
Báo Seoul Times ngày 28.3 tường thuật một chuyến thăm hiếm có đến đảo Bam hôm 27.3: Cơ quan quản lý sông Han thuộc chính quyền Seoul đưa một cần trục thủy lực và các tàu trang bị vòi rồng phun nước áp lực cao đến để làm sạch đảo.
Rừng liễu trên đảo bị phủ đầy phân của hàng ngàn con chim cốc lớn đến đảo trú đông. Nếu không dùng nước sông xóa sạch phân trên cây liễu thì các nhánh sẽ không thể mọc chồi vào mùa xuân, theo giải thích của ông Joo Yong-tae, trưởng cơ quan quản lý sông Han.
Ông Joo cho biết: “Đảo Bam là một viên kim cương môi trường trong thành phố, hằng năm phải được rửa sạch khi sắp đến mùa xuân, nhằm cho phép bảo tồn thảm động-thực vật của chúng tôi”.
Việc rửa sạch đảo Bam được xếp là nhiệm vụ quan trọng trong những năm gần đây, vì số lượng chim di trú đến đảo ngày càng tăng trong mỗi mùa đông: có khoảng hơn 1.800 con chim di trú ở đây hồi tháng 11.2020, qua năm 2021 tăng lên hơn 2.200 con và 4.700 con năm 2022, theo ước tính của chính quyền Seoul.
Công tác làm sạch đảo Bam hôm 27.3 cũng gồm thu hồi rác cùng các chất độc hại quanh đảo. Ông Joo cho biết chỉ đưa một nhóm nhỏ đến đảo và làm nhiệm vụ thật nhanh, nhằm không để sự xuất hiện của họ tác động đến cuộc sống trên đảo.
Hồi năm 2022, đảo Bam tiếp nhận gần 10.000 con chim của 60 loài, cùng 37 loài sinh vật không xương sống, 5 loài động vật lưỡng cư và bò sát, 4 loài động vật có vú, 18 loài cá và 250 loài thực vật.
Trong số này có 12 loài được quốc gia bảo tồn, gồm những loài có nguy cơ tuyệt chủng cấp độ 1 như đại bàng biển đuôi trắng và chim cắt lớn, hoặc các loài có nguy cơ tuyệt chủng cấp độ 2 như chim cắt hỏa mai.